Y tếSức khỏe

Nhiều trẻ đang ngủ bị rắn độc bò vào nhà cắn nguy kịch

15:06 - Thứ Năm, 10/08/2023 Lượt xem: 7942 In bài viết

3 cháu bé bị rắn độc cắn được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương đều rất nặng, nguy kịch đến tính mạng. Đặc biệt, 2/3 cháu đều bị rắn độc cắn khi đang ngủ và thay vì tới viện, gia đình đưa con đi đắp lá khiến các cháu suýt tử vong.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, liên tiếp trong 2 tuần trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhi bị rắn độc cắn nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Ngủ dưới nền nhà bị rắn độc bò vào cắn

Đang ngủ dưới nền nhà cùng gia đình, bé trai V.T (28 tháng tuổi, Tuyên Quang) bỗng khóc thét. Cả nhà tỉnh dậy, bật đèn kiểm tra, thấy ngón cái bàn chân trái của con chảy máu. Sau đó, phát hiện 1 con rắn trong gầm giường gần đó và đã đánh chết. 

 Biết đây là rắn độc, gia đình đã đưa con đến nhà thầy lang lấy thuốc về đắp. Sau 1 ngày đắp thuốc, bàn chân cháu bé xuất hiện sưng nề, hoại tử lan lên tới đùi, co giật toàn thân, tới lúc này, gia đình mới hốt hoảng đưa con đi cấp cứu.

Cháu bé vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, liệt cơ hô hấp. Tại đây, các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, đồng thời liên hệ hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để đưa ra phương án điều trị cũng như chuyển tuyến an toàn nhất cho trẻ.

Hình ảnh cháu bé khi mới vào Khoa Cấp cứu và Chống độc.

Cháu bé được chuyển xuống Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương sau 36 giờ bị rắn cắn. Theo TS.BS Phan Hữu Phúc – Phó Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, lúc này cháu bé đã bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, co giật, hoại tử lan rộng và có hội chứng chèn ép khoang, tiêu cơ vân… tiên lượng rất nặng nề.

Trước khi tiếp nhận bệnh nhân, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trao đổi với các bác sĩ Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai để đảm bảo có huyết thanh kháng nọc rắn.  

Gia đình không lưu lại được hình ảnh con rắn đã cắn cháu bé, nhưng dựa trên đặc điểm vết cắn, tính chất sưng nề, hoại tử tiến triển, kèm theo liệt cơ hô hấp, các bác sĩ hướng đến cháu bị rắn hổ đất cắn.

Rắn hổ đất có nọc độc cực mạnh.

Ngay trong đêm, bệnh nhi được truyền 40 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ và thở máy, hỗ trợ tuần hoàn, đồng thời tiến hành phẫu thuật mở cân cẳng bàn chân trái để giải phóng chèn ép khoang. Ngoài ra, cháu cũng được truyền dịch, lợi tiểu để phòng biến chứng suy thận cấp do tiêu cơ vân.

Rất may mắn, sau 4 ngày điều trị, cháu bé đã được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, hồi phục hoàn toàn về sức cơ, cẳng bàn chân trái đỡ sưng nề, vận động tốt. Tuy nhiên, ngón cái bàn chân trái bị rắn cắn đã hoại tử khô, có thể cần phẫu thuật cắt bỏ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, cùng thời điểm vào cấp cứu với cháu V. là cháu N.H (3 tuổi, Nghệ An) bị cắn bởi 1 loại rắn sọc đen sọc trắng tại vùng cánh tay phải khi đang ngủ dưới nền nhà (không mắc màn và vẫn thắp đèn ngủ).

Ngay lập tức, gia đình đưa con đến nhà thầy lang gần đó đắp thuốc lá. 1h sau, thấy con rơi vào tình trạng sụp mi, giãn đồng tử 2 bên, nói khó, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp tiến triển gia đình mới vội vàng đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu, đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Rắn cạp nia có nọc độc mạnh nhất, thường gây giãn đồng tử, liệt cơ hô hấp đe doạ trực tiếp đến tính mạng nạn nhân.

Thông qua hình ảnh con rắn do gia đình cung cấp, các bác sĩ xác định trẻ bị rắn cạp nia miền Bắc cắn. Đây là một trong số loại rắn có nọc độc mạnh nhất, thường gây giãn đồng tử, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, đặc biệt gây liệt cơ hô hấp đe doạ trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân.

Trong khi đó, huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia chưa được sản xuất tại Việt Nam, nguồn cung trong nước phụ thuộc vào nước ngoài, thường khan hiếm, thiếu hoặc không có.

ThS.BS Trần Thị Mỹ Hạnh – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ đã rất nỗ lực liên hệ các bệnh viện trong nước, nước ngoài để tìm nguồn cung cấp huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia miền Bắc. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia miền Nam đơn giá (dùng giải nọc một loài rắn cạp nia miền Nam mà không có tác dụng chéo với rắn cạp nia miền Bắc) và huyết thanh kháng nọc rắn đa giá (có tác dụng chung cho rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất).

Sau khi được truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đa giá, sức khoẻ cháu bé dần tiến triển tốt, thực hiện được các yêu cầu của bác sĩ.

Trước sự đồng thuận về chuyên môn của các bác sỹ hai miền Bắc –Nam, sự tin tưởng, quyết tâm của gia đình, bệnh nhi được truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đa giá. Hiện tại, sau 14 ngày điều trị tích cực trẻ đã tỉnh, có nhiều nhịp tự thở, biết thực hiện các động tác theo yêu cầu của bác sĩ, kết quả điện não đồ bình thường và kế hoạch rút máy thở trong một vài ngày tới.

Cảnh giác rắn cắn vào mùa mưa

Theo BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm - Bệnh viện Nhi Trung ương, mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển, xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 và cũng là thời điểm số bệnh nhi bị rắn cắn thường có xu hướng tăng, đặc biệt là tại các địa phương gần vùng sông nước, đồi núi. Các bệnh nhân thường bị rắn cắn trong hoàn cảnh nằm ngủ trên nền nhà, sinh hoạt gần cánh đồng hoặc các nơi có gia cầm…

Đặc biệt, có cháu còn bị tan máu sau khi rắn cắn. Đó là trường hợp cháu N. Q.H (13 tuổi, Thái Nguyên) bị rắn lục cắn khi đang đi lao động. Được sơ cứu tại bệnh viện tuyến huyện và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 1/8. Cháu được phát hiện rối loạn đông máu nặng, giảm Albumin máu. Ngay lập tức, bệnh nhi được truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục tre, truyền Plasma tươi và chăm sóc tích cực. Chỉ sau 1 ngày điều trị, tình trạng cháu đã ổn định và được xuất viện.

Theo bác sĩ, tất cả các trường hợp bị rắn cắn đều nên được theo dõi ít nhất 24 giờ trong bệnh viện. Huyết thanh kháng nọc rắn được chỉ định trong các trường hợp có biểu hiện nặng toàn thân do rắn độc cắn hoặc có rối loạn đông máu nặng. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 4 giờ đầu, tuy nhiên trong 24 giờ đầu vẫn có hiệu quả, một số trường hợp quá 24 giờ vẫn có thể sử dụng. Các trường hợp khác được điều trị hỗ trợ tùy theo triệu chứng lâm sàng.

“Nhiều gia đình bệnh nhân chủ quan áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn, cho đến khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, xuất huyết nặng… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế – đây là sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân bị rắn cắn. Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử chi thể, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, thậm chí tử vong” – BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top