Y tếSức khỏe

Đột quỵ ở trẻ em: Nguy hiểm, khó chẩn đoán

10:09 - Thứ Ba, 15/08/2023 Lượt xem: 7163 In bài viết

Đột quỵ tưởng chừng chỉ ở người lớn tuổi, nhưng gần đây nhiều trẻ em cũng bị tai biến. Xu hướng trẻ hóa đột quỵ đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều gia đình và để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo các chuyên gia y tế, hiểu đúng về đột quỵ ở trẻ em để can thiệp kịp thời trong “thời gian vàng” là vô cùng quan trọng.

Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh được thăm khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) để phòng ngừa đột quỵ.

Nhiều trẻ bị tắc mạch máu não

Theo TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, đơn vị thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân đột quỵ là trẻ em. Nhỏ tuổi nhất phải kể đến là một bé trai 4 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp. Trước thời điểm nhập viện 1 tuần, bé bị sốt, nôn, tiêu chảy nên gia đình đưa đến một bệnh viện nhi điều trị. Vào Bệnh viện đa khoa S.I.S Cần Thơ, bệnh nhi luôn trong tình trạng mê man, được chẩn đoán bị huyết khối tĩnh mạch não, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ đã quyết định can thiệp lấy huyết khối và cứu sống bệnh nhi trong gang tấc… Trước đó, bé trai T.N.M.C. (13 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) trong lúc tắm bỗng nhiên xây xẩm mặt mày và được gia đình đưa đến một bệnh viện tại Cần Thơ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé C. bị đột quỵ nhồi máu não cấp không rõ nguyên nhân.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới và 11.000 ca tử vong do đột quỵ; tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10%-15%; độ tuổi đột quỵ cũng ngày càng trẻ. Cứ mỗi năm, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi lại tăng thêm 2%, ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có những tháng đơn vị này tiếp nhận lên đến khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó 10% là bệnh nhân ở độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi. Tương tự, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cũng ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ trong độ tuổi thanh, thiếu niên.

Bệnh đột quỵ (còn được biết với tên gọi tai biến mạch máu não) là vấn đề sức khỏe cực kỳ nghiêm trọng; là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau các bệnh lý tim mạch, ung thư. PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, cảnh báo, đột quỵ không còn là căn bệnh của người lớn tuổi mà đang dần trẻ hóa một cách đáng báo động, trong đó có nhiều trẻ em.

Theo các chuyên gia, khi trẻ có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt trẻ vào một vị trí thoải mái, tốt nhất cho trẻ nằm ngửa hoặc nằm nghiêng an toàn, đầu, vai hơi nâng cao và được hỗ trợ bằng gối hoặc quần áo. Hạn chế di chuyển trẻ, giữ môi trường thông thoáng, nới lỏng quần áo. Nếu trẻ ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Không tự ý bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hoặc chích lể máu đầu ngón tay, sau gáy hay sau tai vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Theo TS-BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TPHCM), khác với đột quỵ ở người lớn thường do tắc mạch gây nhồi máu não, đột quỵ ở trẻ em đa phần là do vỡ dị dạng mạch máu não. Hầu hết các trường hợp trẻ bị dị dạng mạch máu não từ khi được sinh ra, nghĩa là do bẩm sinh. Dị dạng mạch máu não có thể không gây ra triệu chứng gì nên nhiều gia đình không phát hiện, cho đến khi mạch máu não vỡ, dẫn đến xuất huyết. Ngoài ra, đột quỵ ở trẻ em thường liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về mạch máu, một số khác có thể liên quan đến gene. Hiện việc chẩn đoán đột quỵ ở trẻ em còn gặp nhiều khó khăn bởi trẻ chưa thể tự kể hết các triệu chứng hoặc gọi tên triệu chứng một cách rõ ràng, chính xác.

Đồng quan điểm, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng cho rằng, đột quỵ ở trẻ em chủ yếu do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não và dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý co giật, viêm màng não, yếu liệt tay chân... Do đó, việc phát hiện không dễ dàng và thường bị chậm so với “thời gian vàng” điều trị đột quỵ (3-6 giờ kể từ khi phát đột quỵ). Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như đau đầu, nôn ói bất thường, lơ mơ, không linh hoạt, co giật, yếu tay chân một bên, khó nói..., phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay. Để nhận diện nhanh đột quỵ, phụ huynh yêu cầu con cười để xem một bên mặt có bị chảy xệ xuống hay không; yêu cầu con giơ cùng lúc cả hai tay lên để xem một bên tay có bị rũ xuống hoặc không thể giơ lên hay không; kiểm tra xem trẻ có bị nói lắp, nói không rõ lời hay không… Khi trẻ có những dấu hiệu này, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, bởi “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ được tính bằng phút, bằng giây.

Theo BS-CKII Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), hiện nay đơn vị đột quỵ tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, một số tỉnh không có đơn vị đột quỵ. Mỗi khu vực hoặc tỉnh tùy theo dân số sẽ cần bố trí một trung tâm đột quỵ và từ 2-4 đơn vị đột quỵ vệ tinh như phân tuyến trong điều trị.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top