Y tếSức khỏe

Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

09:04 - Thứ Ba, 22/08/2023 Lượt xem: 8612 In bài viết

ĐBP - Rối loạn tiêu hóa là một biểu hiện bất thường ở hệ tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, gây ra sự khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

Bệnh nhân điều trị rối loạn tiêu hóa tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Ða khoa tỉnh).

Bệnh nhân Nguyễn Văn Ðiểm ở xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) đang điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh chia sẻ: “Cả nhà cùng ăn cơm nhưng chỉ có mình tôi bị đau bụng, đi ngoài. Ðến khi đau bụng không thể chịu được, người mệt mỏi, mất sức, tôi mới tới viện điều trị và được bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng của tôi đã đỡ hơn”.

Còn bệnh nhân Lò Thị Loan, xã Mường Thín (huyện Tuần Giáo) đã điều trị rối loạn tiêu hóa tại Trung tâm Y tế huyện nhưng không đỡ nên được chuyển tuyến điều trị. Chị Loan cũng nhập viện với tình trạng đau bụng nhiều, kèm theo đi ngoài phân lỏng nước 1 tuần do ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Từ đầu tháng 7 đến nay, Khoa có 11 ca điều trị rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa không phải là một bệnh lý mà là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị đúng cách thì người bệnh có thể sẽ mắc các chứng bệnh đường tiêu hóa, thậm chí có thể diễn biến xấu thành ung thư đường ruột. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa có thể do bệnh nhân bị viêm đại tràng. Ðây là nguyên nhân điển hình, viêm đại tràng có thể do lỵ amip và gây nên hội chứng kích thích ruột. Do bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, các vi khuẩn đường ruột có tác dụng điều hòa quá trình tiêu hóa, lên men trong đường ruột, khi có sự mất cân bằng hệ vi sinh vật sẽ dẫn đến sự rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn, mà thường gặp nhất ở trẻ em do lạm dụng kháng sinh dẫn đến mất cân bằng đường ruột. Bệnh nhân bị các bệnh lý liên quan đến dạ dày, như viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Do ăn uống không đúng bữa, không điều độ, ăn những thức ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh, không tốt đến đường tiêu hóa và sử dụng nhiều thức uống có cồn. Thông thường, các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa chỉ xảy ra ít và mức độ nhẹ; khi bệnh nhân đi ngoài có máu, phân lỏng rắn xen kẽ, sút cân nhanh, các triệu chứng kéo dài là đã ở mức độ nặng.

Các triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa bao gồm người bệnh luôn đau bụng âm ỉ, cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên, vùng dạ dày và vùng bụng dưới, ban đầu có cảm giác đau nhẹ, sau đó lan rộng và nặng hơn; cảm thấy bụng căng, khó chịu đặc biệt là sau khi ăn; buồn nôn, nôn mửa, ợ hơi, ợ nóng; táo bón, đại tiện nhiều lần trong ngày và thường có cảm giác đắng miệng, chán ăn…

Bác sĩ Thắng khuyến cáo, để phòng bệnh rối loạn tiêu hóa, mọi người cần xây dựng cho mình một chế độ sống khoa học, ăn uống đủ chất, ăn chín uống sôi và hạn chế các thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa, gây tiêu chảy. Khi bị táo bón cần bổ sung nhiều chất xơ và rau xanh, uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình đào thải của cơ thể. Bổ sung men vi sinh, lợi khuẩn tốt cho đường ruột theo chỉ định của bác sĩ. Hạn chế sử dụng các thức uống có cồn và tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận
Back To Top