Hiện nay, vì hám lợi, một số cơ sở, hộ chăn nuôi và gian thương vẫn lén lút mua bán chất cấm dùng trong chăn nuôi lợn để tạo nạc, kích thích tăng trưởng cho vật nuôi, gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Trong danh mục các chất cấm của Bộ NN&PTNT, có 7 hợp chất thuộc nhóm chất #2-agonist bao gồm: Carbuterol, Cimaterol, Fenoterol, Ractopamine, Salbutamol và Terbutaline, Clenbuterol.
Phổ biến là các chất Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine được một số hộ, cơ sở chăn nuôi lén lút dùng để nuôi lợn, trong đó Clenbuterol là chất siêu tăng trọng, tạo nhiều thịt nạc cho lợn nhưng gây nguy hiểm nhất đến sức khỏe con người.
Thông tin từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, người ăn phải thịt lợn tồn dư chất Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine... sẽ gây rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp, nguy cơ sẩy thai…
Nếu sử dụng thực phẩm chứa hóa chất tăng trưởng trên trong thời gian dài có thể gây nhiễm độc gan, rối loạn hệ thống hormon cơ thể, đột biến tế bào và tạo điều kiện phát triển khối u ác tính.
Để tránh mua phải thịt lợn nhiễm chất cấm, các chuyên gia an toàn thực phẩm đưa ra một số đặc điểm nhận biết.
Theo đó, lợn nuôi bằng chất tạo nạc, tăng trọng thì thịt tích nước nhiều, có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém.
Tại bắp vai, đùi lợn, lượng thịt nạc phát triển bất thường, màu đỏ giống thịt bò (thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn).
Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc có nạc nhiều vun cao (nạc gần sát với da), ít mỡ và mỡ chỉ mỏng khoảng 0,4-1cm (lợn bình thường mỡ dày 1,5-2cm).
Lợn nuôi bằng chất cấm thì trên bề mặt da, đặc biệt ở các vị trí khớp, khuỷu… có những quầng chấm đỏ lan rộng, pha lẫn sậm đen.