Không chỉ thanh thiếu niên, trẻ nhỏ mà tình trạng người cao tuổi “nghiện” các thiết bị điện tử như: Điện thoại thông minh, ti vi, máy tính bảng… đang là một thực tế khá phổ biến.
Hậu quả là thời gian qua, tại các bệnh viện chuyên khoa mắt đã tiếp nhận điều trị cho nhiều người cao tuổi bị đục thủy tinh thể mà một trong những nguyên nhân đẩy nhanh quá trình lão hóa này là do lạm dụng thiết bị điện tử.
Nguy cơ mù lòa do lạm dụng thiết bị điện tử
Từ ngày nghỉ hưu, ông N.H.H (68 tuổi ở Hà Nội) thường xuyên “ôm” điện thoại, “lướt” mạng cả ngày lẫn đêm. Ngoài việc đọc báo, ông H. còn xem các thông tin trên YouTube, Facebook... Thấy cuộc sống của ông vui vẻ, thoải mái, lại am hiểu thông tin xã hội, các con đều mừng mà vô tình không để ý tới tần suất sử dụng điện thoại quá mức của bố. Sau một thời gian dài “ăn, ngủ” với điện thoại, ông N.H.H thường xuyên chảy nước mắt, nhìn mờ… Lúc này, các con mới lo lắng và đưa bố đi kiểm tra. Kết quả, ông N.H.H được bác sĩ thông báo, bị đục thủy tinh thể và phải phẫu thuật thay thế.
Trực tiếp thăm khám cho nhiều người cao tuổi bị đục thủy tinh thể, Thạc sĩ - bác sĩ Mai Thị Anh Thư, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, khi đã có tuổi, người già cần một chế độ chăm sóc đặc biệt hơn đối với mắt. Thế nhưng, việc thường xuyên sử dụng điện thoại, xem ti vi, sử dụng máy tính bảng ở một khoảng cách gần trong thời gian quá lâu càng đẩy nhanh tốc độ lão hóa mắt. Các bệnh lý về mắt thường gặp ở người cao tuổi là thoái hóa hoàng điểm, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp glocom, bệnh lý võng mạc, khô mắt...
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt trung ương) cho rằng, ánh sáng xanh nguy hại phát ra từ các thiết bị điện tử chính là “thủ phạm” đẩy nhanh quá trình lão hóa mắt. Dấu hiệu khi tiếp xúc quá đà với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử là mỏi mắt, mệt mỏi, dụi mắt, chảy nước mắt, nhìn mờ…
Trong các bệnh lý về mắt, theo các chuyên gia nhãn khoa, đục thủy tinh thể là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, gây nên tình trạng suy giảm thị lực. Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị mù lòa do đục thủy tinh thể chiếm đến 70%, chủ yếu gặp ở người già. Bệnh diễn biến chậm, trong giai đoạn khởi phát người bệnh có biểu hiện suy giảm thị lực nhẹ, lúc này chỉ cần đeo kính để hỗ trợ thị lực. Nhưng khi bệnh diễn biến nặng hơn, phải can thiệp phẫu thuật để lấy lại thị lực nếu không sẽ bị mù lòa vĩnh viễn.
Thạc sĩ - bác sĩ Mai Thị Anh Thư cảnh báo, có những trường hợp đã được chỉ định phẫu thuật thay thủy tinh thể để phục hồi thị lực, thế nhưng, người bệnh sau khi được phẫu thuật vẫn không bỏ được “cơn nghiện” điện thoại. Do đó, chỉ một thời gian sau, bệnh nhân phải quay lại bệnh viện thăm khám vì mắt đau tức, khó chịu.
Cần chủ động phòng ngừa
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nghiên cứu, chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ/ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Do đó, chỉ nên tương tác với các thiết bị điện tử dưới khoảng thời gian này mỗi ngày. Thế nhưng, theo con số thống kê ở Việt Nam, trung bình một ngày, mỗi người dành 6 giờ để truy cập mạng, 2 giờ để xem ti vi. Con số này cao gần gấp 3 lần khuyến cáo của WHO.
Vì vậy, để tránh những hậu quả xấu ảnh hưởng đến thị lực, Thạc sĩ - bác sĩ Mai Thị Anh Thư khuyến cáo, người cao tuổi cần hạn chế việc sử dụng điện thoại. Khi xem điện thoại, người già cần lưu ý sử dụng trong điều kiện đủ ánh sáng và tuyệt đối không nên xem quá lâu. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào khiến mắt nhìn mờ cần được thăm khám chuyên sâu để có phương án điều trị kịp thời, tránh nguy cơ mất thị lực.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) cũng đưa ra cách phòng tránh bệnh lý về mắt dành cho người tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử bằng quy tắc 20-20-20. Cụ thể là 20 phút: Sau khi tiếp xúc liên tục với các thiết bị điện tử trong 20 phút nên ngừng nhìn vào chúng, để mắt được nghỉ ngơi; 20 feet: Để mắt nhìn ra xa với khoảng cách 20 feet tương đương 6m; 20 giây: Hướng tầm mắt ra xa trong 20 giây có thể giúp giảm thiểu căng thẳng, áp lực cho mắt.
Bên cạnh đó, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Châu, mỗi người cần thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho mắt sẽ giúp mắt phòng ngừa được sự lão hóa sớm và luôn sáng khỏe. Cụ thể là các thực phẩm như: Bông cải xanh, súp lơ trắng, khoai tây, cà chua, dâu tây, bưởi, cam, chanh, kiwi, dưa vàng, đu đủ và các loại hạt (gồm: Hạnh nhân, óc chó, macca…), cá hồi, tôm, dầu ôliu… Cùng với đó, tăng cường thêm hai chất (lutein và zeaxanthin) có nhiều trong thực phẩm: Rau cải xoăn, súp lơ, ngô, cam, ớt chuông đỏ… để hạn chế ảnh hưởng của ánh sáng xanh. Đặc biệt, việc loại bỏ các thực phẩm gây hại cho mắt như: Đồ ăn cay, nóng, thực phẩm chiên rán, chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá)… ra khỏi chế độ ăn uống hằng ngày cũng là một cách phòng tránh đục thủy tinh thể hiệu quả.