Y tếSức khỏe

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

16:29 - Thứ Năm, 14/12/2023 Lượt xem: 6709 In bài viết

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là một rối loạn tâm thần có thể xảy ra ở những người đã trải qua hoặc chứng kiến ​​một biến cố như thiên tai, tai nạn, chiến tranh hoặc những người bị đe dọa, bị bạo lực hoặc chấn thương nghiêm trọng.

(Ảnh minh họa).

TRIỆU CHỨNG

Bệnh nhân phản ứng với những chấn thương tâm lý này với nỗi sợ hãi và bất lực, họ luôn hồi tưởng lại những sự kiện đau buồn và cố gắng để xa lánh nó. Sự kiện này có thể được tái hiện lại trong những giấc mơ và suy nghĩ của bệnh nhân lúc thức. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm trầm cảm, lo âu và những khó khăn về nhận thức như kém tập trung, trí nhớ giảm. Rối loạn stress sau sang chấn thường phát sinh sau chấn thương tâm lý từ vài tuần đến vài tháng, tối đa 6 tháng; bệnh có thể kéo dài nhiều năm và để lại biến đổi nhân cách rõ rệt. Tỷ lệ của PTSD trong cuộc đời chiếm khoảng 8% dân số nói chung với 10% ở nữ và nam là 4%. Phản ứng của con người đối với stress là khác nhau, có người có rất nhiều triệu chứng, nhưng ngược lại có những bệnh nhân chỉ có một số triệu chứng. Khoảng 2 phần 3 số bệnh nhân PTSD bị một rối loạn tâm thần khác phối hợp như trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và rối loạn ám ảnh, cưỡng bức. Tỷ lệ nam giới mắc PTSD ám ảnh sợ và rối loạn hoảng sợ kết hợp không cao, nhưng ở bệnh nhân nữ, tỷ lệ 2 bệnh này cao gấp 3-4 lần bình thường.

(Ảnh minh hoạ)

Các bệnh nhân gặp rối loạn căng thẳng sau sang chấn có 3 nhóm triệu chứng:

Triệu chứng xâm nhập sau chấn thương

Hồi tưởng, trong đó các cá nhân có thể cảm thấy và hành động như thể chấn thương đang tái diễn, đây là một triệu chứng xâm nhập cổ điển. Triệu chứng xâm nhập khác bao gồm những ký ức đau buồn hay những giấc mơ, phản ứng căng thẳng khi tiếp xúc với những tác động liên kết đến các chấn thương.

* Né tránh các kích thích liên quan đến chấn thương

Khi bệnh nhân gặp lại các sự kiện chấn thương tâm lý, họ lo lắng, sợ hãi mãnh liệt và có các hành vi kích động, hỗn loạn. Qua đó, bệnh nhân tìm cách xa lánh các sự kiện gợi lại chấn thương tâm lý, giảm khả năng ghi nhớ để không bị hồi tưởng và chấn thương tâm lý.

* Tăng các triệu chứng kích thích

Các triệu chứng của tăng kích thích bao gồm mất ngủ, khó chịu, tăng cảnh giác và giật mình. Bệnh nhân khó ngủ hoặc khó vào giấc ngủ,họ hay cáu gắt quá mức, luôn than phiền khó tập trung chú ý, có ác mộng dai dẳng.

ĐIỀU TRỊ

Rối loạn stress sau sang chấn có thể kéo dài từ vài tháng đến hơn 30 năm. Với trường hợp không tiến hành điều trị, 30% số bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn, 40% có các triệu chứng mức độ nhẹ, 20% có các triệu chứng mức độ vừa và 10% có các triệu chứng mức độ nặng. Tỷ lệ bệnh có khả năng thuyên giảm, tự khỏi là sau khoảng 1 năm, chiếm 50%. Trường hợp này thường xảy ra ở những ca bệnh mới khởi phát bệnh (dưới 6 tháng) và được nhanh chóng điều trị, có sự hỗ trợ mạnh mẽ về tâm lý của người thân, xã hội và không mắc các rối loạn tâm thần trước đây.

Các kỹ thuật khác nhau của liệu pháp nhận thức và hành vi đang được sử dụng trong điều trị bệnh PTSD bao gồm kỹ thuật tưởng tượng và tiếp xúc với các tình huống có trong thực tế cuộc sống. Kỹ thuật này áp dụng cho bệnh nhân có lo âu, ám ảnh bền vững, hoặc lo âu, ám ảnh tăng lên khi có kích thích, nhằm tạo thói quen cho bệnh nhân, giảm tác động của các kích thích. Kỹ thuật thư giãn có khả năng làm giảm các căng thẳng vận động ở bệnh nhân PTSD, người bệnh cần luyện tập co và giãn các nhóm cơ khác nhau để tạo ra một đáp ứng thư giãn. Bên cạnh đó, kỹ thuật nhận thức và dừng suy nghĩ đi đôi với tưởng tượng về chấn thương tâm lý chỉ dùng điều trị các hoạt động tâm thần không mong muốn trong PTSD.

(Ảnh minh họa).

Bất cứ ai cũng có thể phát triển PTSD, đây là kết quả của nhiều yếu tố tiêu cực phát sinh khác nhau trong cuộc sống. PTSD gây ra sự đau khổ, rối loạn hoạt động xã hội nhưng hoàn toàn có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý và dược lý. Vì vậy, ngay khi có những trải nghiệm tiêu cực kéo dài sau sang chấn, hãy liên lạc với những chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ.

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội là bệnh viện hạng I, đầu ngành tâm thần của thành phố Hà Nội, có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô với quy mô lớn, điều trị cho trên 16.000 bệnh nhân tại cộng đồng. Bệnh viện luôn cập nhật kiến thức, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và trở thành một địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận.

BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI - HANOI MENTAL HOSPITAL

Địa chỉ: Ngõ 467, đường Nguyễn Văn Linh, phường Sài Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0967301616

Website: benhvientamthanhanoi.com

Theo HNM
Bình luận
Back To Top