Y tếSức khỏe

Bát nháo quảng cáo thực phẩm chức năng

16:01 - Thứ Ba, 19/12/2023 Lượt xem: 5867 In bài viết

Hiện thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đang rất phát triển nhưng cũng vô cùng hỗn loạn khi nhiều sản phẩm đang quảng cáo quá mức về công dụng.

Thậm chí không ít loại là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng được “thổi phồng” về công dụng để bán với giá cắt cổ, khiến người tiêu dùng gánh chịu thiệt hại lớn về sức khỏe và kinh tế. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng này

Xử lý không xuể

Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ 2 người điều hành Công ty TNHH Bảo Long Dược là Nguyễn Thị Hiền (27 tuổi, trú huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) và Đặng Văn Thắng (chồng Hiền, 29 tuổi, trú huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi giả danh y, bác sĩ tư vấn, quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh, bán với giá cao.

Người dân mua thực phẩm chức năng tại một cửa hàng ở quận 1, TPHCM.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế ) cũng đã thông tin cảnh báo một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, Xmpow12, Lehutra-Curcumin quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Tại nhiều địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Kiên Giang, TPHCM, thời gian qua, lực lượng chức năng đã ra nhiều quyết định xử phạt các cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo TPCN “nổ” công dụng.

Nhiều đối tượng còn kết nối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân để tổ chức “chăm sóc sức khỏe cộng đồng” nhưng mục đích là giới thiệu, quảng bá và bán các loại TPCN trong khi chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, ngoài rất nhiều TPCN nhập ngoại thì cả nước hiện có khoảng 3.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, cung cấp ra thị trường trên 12.000 sản phẩm các loại. Các mặt hàng TPCN và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước sản xuất đang chiếm khoảng 70% trên thị trường. “Hiện nay, số người sử dụng TPCN ở nước ta để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe chiếm khoảng 60% dân số trên 18 tuổi. Nhu cầu sử dụng các loại TPCN để bảo vệ, tăng cường sức khỏe không ngừng tăng cao, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, mạng xã hội”, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thông tin.

Ông Trần Đáng cho biết, các sản phẩm TPCN không chỉ được kinh doanh tại các nhà thuốc mà còn được rao bán, quảng cáo trên nhiều sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, YouTube với vô vàn chủng loại khác nhau. Chỉ cần click chuột tìm kiếm trên Google hay trên Facebook với cụm từ “sản phẩm bổ não, tăng cường trí nhớ người già” đã nhanh chóng cho ra hàng chục triệu kết quả. Nhiều sản phẩm được quảng cáo như “thần dược”, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận”, sẵn sàng chi nhiều tiền để mua.

Sau khi tìm hiểu trên mạng xã hội, anh Đàm Huy Minh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã không đắn đo bỏ ra gần 10 triệu đồng mua 4 hộp “Bổ não hoạt huyết” với mong muốn cải thiện sức khỏe, trí nhớ cho người cha đã hơn 80 tuổi, nhưng hiệu quả thực tế lại không được như mong muốn. “Theo quảng cáo của doanh nghiệp và người bán hàng thì đây là loại thuốc rất hiệu quả cho người già bị tai biến, chỉ cần sử dụng đều đặn trong nửa tháng là người bệnh tiến triển rất tốt, nhưng 2 tháng qua, bố tôi uống hết cả 4 hộp mà sức khỏe và trí nhớ không hề được cải thiện, thậm chí còn yếu hơn”, anh Huy Minh bức xúc.

Việc quản lý gặp khó

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế ), hiện nay, sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Trong khi đó, không ít tổ chức, cá nhân kinh doanh TPCN vì lợi nhuận mà quảng cáo sai sự thật, quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh.

Người dân mua thực phẩm chức năng tại một cửa hàng trên đường Trần Đình Xu, quận 1, TPHCM.

Thậm chí có nhiều trường hợp, cơ quan chức năng phát hiện những website, tên miền quảng cáo sản phẩm TPCN bị thổi phồng công dụng nhưng khi làm việc với doanh nghiệp, họ lại chối không liên quan đến các quảng cáo về sản phẩm đó. “Mặc dù thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin - Truyền thông xử lý rất nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm, nhưng thực tế tình trạng này vẫn rất phức tạp. Đáng lo ngại, việc mạo danh bác sĩ, chuyên gia y tế gọi điện tư vấn qua điện thoại cho người bệnh để bán các mặt hàng TPCN có chất lượng không đảm bảo đang gia tăng và ngày càng tinh vi”, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Trước thực trạng nhiều người nổi tiếng quảng cáo TPCN trong khi chưa được thẩm định rõ về hiệu quả, tác dụng, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, cho rằng, điều này liên quan đến Luật Quảng cáo. Người nổi tiếng hay bất cứ ai khi thực hiện quảng cáo TPCN hoặc bất kỳ sản phẩm nào, nếu là một người tôn trọng pháp luật và tôn trọng bản thân thì đều cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm đó, tránh việc nói quá tác dụng, gây những nhầm lẫn, hiểu sai của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi xem quảng cáo sản phẩm đã mong chờ TPCN có tác dụng mới bỏ tiền ra mua, thế nhưng kết quả lại không được như vậy, có thể coi là lừa đảo. “Cần kêu gọi từ chính lương tâm của những người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Cùng với đó, rất cần các chế tài xử lý nghiêm, nội dung này cần được quy định rõ trong Luật Quảng cáo, như thế mới có thể khắc phục được tình trạng này”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần tập thói quen thận trọng khi có ý định mua TPCN.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top