Với môi trường công việc, cuộc sống đè nặng, nhất là thời điểm cuối năm, nhiều người trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi bởi áp lực. Theo các chuyên gia y tế, nếu không giải tỏa được vấn đề này, về lâu dài có thể gây ra những hệ quả tiêu cực.
Nhiều áp lực
Là chuyên viên của bộ phận quan hệ nhà đầu tư trong một doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn quận 3 (TPHCM), những ngày giáp Tết Nguyên đán đối với anh Nguyễn Minh Tú (32 tuổi) là những ngày ngập trong thời hạn công việc, các bản kế hoạch và những cuộc họp đến khuya.
Đây là thời điểm anh phải chuẩn bị các báo cáo thường niên, báo cáo quản trị; chuẩn bị các thông tin, tài liệu cho những cuộc họp chiến lược của lãnh đạo công ty, hội đồng quản trị; chuẩn bị thư cảm ơn, chúc mừng năm mới tới hàng ngàn cổ đông, nhà đầu tư. Ngoài ra, anh còn phải theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán, phân tích đầu tư, phụ trách kết nối với các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư bên ngoài. “Mỗi ngày hầu như tôi chỉ ngủ được khoảng 4 tiếng đồng hồ, có những hôm 12 giờ đêm vẫn còn phải làm việc nhưng 5 giờ sáng đã phải chuẩn bị cho công việc của ngày tiếp theo. Cứ mỗi lần nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức là tôi lại bị ám ảnh, thậm chí nhiều lúc đang ngủ cũng giật mình tỉnh giấc ngỡ chuông báo thức kêu. Tôi chỉ mong những ngày cuối năm nhanh trôi qua”, anh Tú chia sẻ.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám cho người bị bệnh rối loạn lo âu vì áp lực công việc
Anh Lâm Tuấn Minh (26 tuổi) gia nhập đội ngũ tài xế xe công nghệ sau khi mất việc làm từ 6 tháng trước. Càng cuối năm, số lượng cuốc xe càng nhiều, khách hàng cũng thúc giục đi nhanh, đến nhanh, trong khi đường sá thường xuyên trong tình trạng kẹt xe, tắc đường. Cùng với đó, nỗi lo sẽ gặp phải tai nạn giao thông trên đường luôn thường trực trong lòng khiến anh luôn thấp thỏm, lo âu. Chỉ đến khi kết thúc công việc của một ngày, anh Minh mới có thể thở phào, nhưng đến sáng sớm hôm sau mọi cảm giác lại quay về như cũ.
Theo các chuyên gia tâm lý, căng thẳng, áp lực là trạng thái chung của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, trong những ngày cuối năm. Áp lực từ hoàn thành công việc đúng hạn, các chỉ tiêu, kế hoạch khiến người trẻ phải chạy đua với thời gian, quay cuồng với công việc. Cùng với đó là những áp lực từ lãnh đạo, đồng nghiệp, gia đình, vấn đề thưởng tết, tiền bạc… dẫn đến nhiều người thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo lắng, bất an. Bên cạnh đó là áp lực từ sự thành công của bạn bè, đồng nghiệp gây ra cảm giác so sánh, thất vọng, tự ti… khiến nhiều người dần dần rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, trầm cảm.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, căng thẳng và lo lắng không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa xấu. Ở chiều tích cực, điều này giúp chúng ta vượt qua các thử thách hoặc tình huống nguy hiểm và là động lực để chúng ta hoàn thành công việc. Tuy nhiên, ở chiều tiêu cực, nếu “quá tải” sẽ hại nhiều hơn lợi, dấu hiệu bệnh lý và các vấn đề nghiêm trọng, cả thể chất lẫn tinh thần.
Học cách “quẳng gánh lo…”
Bác sĩ CKII Trần Minh Khuyên, chuyên khoa Tâm thần kinh - Trị liệu tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, căng thẳng (stress) là một phản ứng tự nhiên của cơ thể mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Nhưng nếu stress kéo dài trở thành mạn tính thì chúng không chỉ gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày mà còn gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Stress ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi và thể chất, như: mất kiểm soát về mặt cảm xúc, hay nóng giận, lo lắng thái quá, có khi lại thờ ơ, chán nản, thường xuyên mệt mỏi… Về lâu dài, stress mạn tính có thể làm tăng nguy cơ chuyển biến thành các bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt. Nguy hiểm hơn, nếu không được giải tỏa, bệnh nhân suy nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết và có thể có những lựa chọn tiêu cực, thậm chí tự tử.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tư vấn cho người bị bệnh rối loạn lo âu
Còn theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Dược TPHCM, stress là phản ứng của cơ thể trước bất cứ điều gì đòi hỏi sự chú ý hoặc hành động. Mọi người đều trải qua căng thẳng ở một mức độ nhất định, tuy nhiên mỗi người lại phản ứng với căng thẳng khác nhau và tác động tổng thể sức khỏe cũng khác nhau. Để loại bỏ các yếu tố kích hoạt căng thẳng, nên tìm ra nguyên nhân và tìm cách “thoát” ra, hoặc ít ra là giảm thiểu chúng. PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam khuyến cáo, nên dành thời gian để thư giãn, nếu không thì sức khỏe tinh thần và thể chất sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có thể áp dụng nhiều cách làm khác, như áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh; ngủ đủ giấc; bố trí thời gian tập thể dục thường xuyên, kể cả khi bận rộn. Khi stress, cơ bắp sẽ bị căng, có thể tự nới lỏng bằng cách thư giãn, massage, tắm nước nóng hoặc tắm vòi hoa sen, tập thở sâu… Xoa bóp bằng dầu thơm kết hợp với hít hương tinh dầu giúp giảm các triệu chứng của căng thẳng như đau đầu, mệt mỏi và làm dễ chịu, dễ ngủ hơn.
Việc sử dụng rượu hoặc các chất kích thích để ngăn ngừa cảm giác căng thẳng và lo lắng nhất thời không được khuyến khích, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng nghiện ngập. “Chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của mình, vì vậy hãy tự giúp mình bằng các biện pháp tích cực. Đừng quên duy trì khiếu hài hước, tiếng cười bởi đây là “liều thuốc” giúp chúng ta thấy thư giãn, dễ chịu và yêu đời hơn”, PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến.