Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, mới đây 2 bệnh nhân ở quận Hà Đông và huyện Ứng Hòa bị mắc liên cầu lợn phải nhập viện cấp cứu do ăn tiết canh trước đó.
Mặc dù các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo nguy cơ mắc bệnh liên cầu, sán… khi ăn tiết canh nhưng nhiều người dân vẫn mắc phải vì có những quan niệm sai lầm.
Một quan niệm sai lầm rất nhiều người mắc phải là cho rằng, ăn tiết canh tự làm tại nhà và chế biến từ con vật nhà nuôi sẽ an toàn. Họ chủ quan vì nghĩ, lợn, dê, ngan, vịt… do gia đình tự chăn nuôi dân dã, thả rông là “sạch”, không bị bệnh thì có thể ăn tiết canh mà không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành thú y, bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào, vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm, điều trị bệnh tốn kém và tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Quan niệm sai lầm khác mà nhiều người mắc phải còn là, chỉ ăn tiết canh lợn mới bị bệnh và mắc liên cầu khuẩn mới nguy hiểm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khẳng định, tất cả các loại tiết canh, dù là dê, vịt, ngan… đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Ăn tiết canh lợn, ngoài nguy cơ mắc bệnh liên cầu thì người ăn có thể mắc bệnh giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể tử vong. Đặc biệt, ăn tiết canh lợn rất dễ nhiễm bệnh ấu trùng sán lợn. Sán lợn có thể ký sinh trong não, gây mất trí nhớ, đau đầu, co giật, nặng hơn có thể đột tử.
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, dù là tiết canh lợn, dê hay vịt, ngan… và không ăn các sản phẩm làm từ thịt chưa được nấu chín.