Rau sống là món ăn kèm phổ biến trong bữa ăn của người Việt Nam, được ăn cùng với nhiều loại thực phẩm khác như các món thịt, cá nướng, các món canh, bún, phở...
Tuy nhiên, việc ăn rau sống thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn, nhiễm sán.
Các loại rau sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh đường ruột. Ảnh: Internet
Mối lo tiềm ẩn
Rau củ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu bởi chúng chứa các loại khoáng chất, vitamin và chất xơ. Khoáng chất và vitamin giúp duy trì quá trình hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Chất xơ giúp giảm lượng cholesterol trong máu và làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, đái tháo đường... Bởi vậy, rau xanh được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cần phải tăng cường trong khẩu phần ăn hằng ngày của mọi lứa tuổi.
Ngoài các lợi ích cho sức khỏe, rau xanh còn là thực phẩm “vàng” giúp chị em giảm cân, giữ vóc dáng. Do đó, nhiều người thường xuyên ăn rau sống hay các món salad giàu chất xơ và ít calo.
Chị Nguyễn Thanh Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất thích ăn rau sống kèm với bún, phở... Với nhiều món không ăn kèm rau sống, tôi cảm thấy ăn mất ngon. Từ khi áp dụng thực đơn ăn kiêng, tôi ăn đa dạng các loại rau sống, các món salad, các loại nước ép hoa quả trộn cà chua, rau, cần tây... Các món ăn từ rau sống vừa tươi mát, dễ ăn lại có hiệu quả giảm cân và tiết kiệm thời gian chế biến”.
Nhưng, không ít người thường xuyên ăn rau sống như chị Mai đã có lần rơi vào cảnh “miệng nôn trôn tháo” dù đã rửa rau kỹ lưỡng. Thực tế, rau sống chưa qua chế biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bao gồm nhiễm các chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, nhiễm khuẩn do rửa rau không sạch, hoặc môi trường dự trữ rau sống chưa đảm bảo vệ sinh. Về lâu dài, những chất độc hại tích lũy dần trong cơ thể.
Nhiễm ký sinh trùng vì “nghiện” ăn rau sống
Các nghiên cứu cũng cho thấy, từ 92% - 100% các loại rau sống đều chứa ký sinh trùng có hại cho sức khỏe, nếu không rửa sạch rau trước khi sử dụng thì có khả năng cao mắc các bệnh về đường ruột như nhiễm giun sán, tiêu chảy...
Cuối tháng 5-2024, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn do sở thích ăn rau sống, đặc biệt là rau muống được trồng dưới ao, hồ và rau ngổ sống. Bệnh nhân cho biết bản thân rất thích các món cá nướng quấn với rau muống và món thịt vịt quay, thịt vịt hấp ăn với rau ngổ sống.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec tiếp nhận một nữ bệnh nhân có tổn thương tại gan, lách, phổi và kết quả xét nghiệm dương tính với các loại giun sán do ký sinh trùng. Bệnh nhân tỏ ra bất ngờ khi được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ thói quen hay ăn rau sống.
Tiến sĩ Vũ Minh Điền, Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: Trứng của sán xuống nước, nở ra ấu trùng lông và ký sinh trong ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi; ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau mọc dưới nước tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc trâu bò ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn. Khi người ăn sống rau mọc dưới nước hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán, ấu trùng sán vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Đây cũng chính là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất.
Sán lá gan ký sinh chủ yếu ở mô gan nhưng trong giai đoạn xâm nhập sán có thể đi chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày. Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2 - 3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị. Tại đường mật, sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, viêm tụy cấp...
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Người dân không nên ăn sống các loại rau mọc dưới nước như rau muống, rau ngổ, rau cần, cải xoong, rau rút...; không uống nước lã. Khi nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng, bệnh nhân phải đến cơ sở khám, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những người có thói quen ăn các loại rau mọc dưới nước (đầm, ao, hồ...), ăn sống hoặc không được chế biến kỹ, cũng nên đi khám, tầm soát bệnh thường xuyên.