Y tếSức khỏe

Hít 30-40 bóng cười mỗi lần, nam thanh niên bị tê yếu hai chân, hoang tưởng

14:41 - Thứ Tư, 17/07/2024 Lượt xem: 6295 In bài viết

Thường xuyên dùng bóng cười, mỗi lần liên tục 30-40 quả, nam thanh niên 22 tuổi phải nhập viện vì tê yếu hai chân kèm theo biểu hiện hoang tưởng, luôn cảm giác có người muốn hại mình.

Chiều 16-7, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề “Bóng cười - Nước mắt sau những cuộc vui”.

Lạm dụng bóng cười ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tâm thần. Ảnh: Diệu Linh

Thời gian qua, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận không ít trường hợp bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần do sử dụng bóng cười.

Điển hình là một nam bệnh nhân (22 tuổi) đến khám vì tê bì, yếu hai chân và rơi vào trạng thái hoang tưởng. Vài năm nay, bệnh nhân thường xuyên dùng bóng cười, mỗi lần liên tục 30-40 quả. Thời gian gần đây, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nhiều, tê bì, yếu hai chân kèm theo cảm giác có người muốn hại mình, theo dõi mình.

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Văn Hoài, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bóng cười hay còn được gọi là “funky ball” là một quả bóng được bơm đầy khí N2O (khí cười). Đây là loại khí không màu, có mùi thơm và vị hơi ngọt. Ngoài ra, bóng cười còn có các tên gọi khác là “bigbaball”, “boom”, “pikachu” để che giấu những hành vi phạm pháp.

Hiện, tỷ lệ sử dụng khí cười để giải trí đang gia tăng nhanh ở các nước trên thế giới với các quan điểm sai lầm của giới trẻ.

“Giới trẻ cho rằng, việc dùng bóng cười chỉ cho vui, tạo những cảm giác khác lạ trong cuộc sống, tăng sáng tạo; hút bóng cười không gây hại, không nguy hiểm. Đây hoàn toàn là những quan điểm sai lầm. Việc sử dụng khí cười có thể gây các hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất và tâm thần cho người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Vũ Văn Hoài cảnh báo.

Một khảo sát với 16.124 người sử dụng khí cười giải trí cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ tiếp xúc và sự hiện diện của các triệu chứng thần kinh. Một nghiên cứu khác cũng chỉ rõ, sử dụng trên 10 quả bóng cười mỗi lần làm gia tăng các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Cụ thể, cơ chế nhiễm độc cấp tính của bóng cười sẽ gây ra các biểu hiện như: Co giật, rối loạn nhịp tim, ngừng hô hấp, ngừng tim. Biểu hiện tổn thương mạn tính do bóng cười gây ra là di chứng thần kinh, suy giảm cảm giác các chi, dáng đi không vững, yếu tứ chi, đặc biệt là chi dưới.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý đến hậu quả rối loạn tâm thần do khí cười gây ra, gồm có: Suy giảm trí nhớ ngắn hạn, suy giảm nhận thức cấp tính do khí cười; hoang tưởng, ảo giác, lú lẫn, rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm…), thay đổi tính cách (bốc đồng, hung hăng), nghiện, gây thèm nhớ do cảm giác “phê” khi sử dụng…

Việc kinh doanh và sử dụng bóng cười cho mục đích giải trí là bất hợp pháp, hiện đã bị nghiêm cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa chính thức quy định việc cấm sử dụng khí cười trong các văn bản pháp luật.

Trước thực tế trên, bác sĩ Vũ Văn Hoài khuyến cáo, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần, việc sử dụng bóng cười còn có thể dẫn đến các nguy cơ khác như: Tổn thương, xung huyết nội tạng và phù phổi cấp; ngừng tim đột ngột, phổ biến nhất là ngạt thở cấp tính do thiếu ô xy dẫn đến gây tử vong.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top