Sau 10 năm, việc góp mặt của các cầu thủ nước ngoài ở Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 đã góp phần nâng cao chất lượng các trận đấu cũng như thu hút khán giả đến sân nhiều hơn. Cùng với đó là sự xuất hiện của công nghệ Video Challenge Eyes hay còn được gọi là mắt thần trong bóng chuyền để hỗ trợ trọng tài quyết định chính xác trong các pha bóng khó.
Trải qua hai tuần tranh tài, Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 đã khép lại với chức vô địch của đội nữ Geleximco Thái Bình. Ðội bóng này tạo bất ngờ lớn sau khi đánh bại hai nhà vô địch rất mạnh trong quá khứ là Bộ Tư lệnh Thông tin và VTV Bình Ðiền Long An, cùng sự tỏa sáng xuất sắc của vận động viên người nước ngoài là Polina Rahimova. Trong khi đó, với thành tích bất bại, đội nam Tràng An Ninh Bình một lần nữa lên ngôi vô địch cho thấy nền tảng vững chắc từ con người cho tới nguồn lực chính là yếu tố để duy trì thành công. Ðây cũng là đội bóng nam thứ hai trong lịch sử bảo vệ thành công chức vô địch giải bóng chuyền quốc gia. Ở giải năm nay, đội bóng này cũng một lần nữa trình làng tài năng trẻ xuất sắc mang tên Nguyễn Văn Quốc Duy.
Sau 80 trận đấu ở cả nội dung nam và nữ, thứ hạng của các đội bóng đã được xác định. Ngoài các vị trí trong tốp đầu, hai đội bóng của nam và hai đội bóng của nữ phải xuống hạng là Bamboo Airways Vĩnh Phúc, Ðắk Lắk (nữ) và Bến Tre, XSKT Vĩnh Long (nam).
Kể từ mùa giải 2022, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho phép các đội chuyển nhượng hai vận động viên nước ngoài, nhưng chỉ có một vận động viên được thi đấu trên sân. Ðây cũng là mùa giải đầu tiên, bóng chuyền Việt Nam đón chào sự trở lại của các "ngoại binh" sau 10 năm không được sử dụng. Ðã có 17 vận động viên người nước ngoài được đăng ký thi đấu trong mầu áo của 14 câu lạc bộ tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022, tạo nên sự hấp dẫn, cạnh tranh cao cho giải đấu.
Việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho cầu thủ ngoại trở lại thi đấu đã khiến các địa điểm tranh tài sôi động hơn, khán giả tại Vĩnh Phúc và Ninh Bình vào sân cổ vũ đông đảo, để được tận mắt xem các "ngoại binh" chơi bóng. Trường hợp chủ công Polina Rahimova (Azerbaijan) của đội vô địch nữ Geleximco Thái Bình là minh chứng của việc bỏ tiền thuê vận động viên người nước ngoài hiệu quả, đáng đồng tiền bát gạo.Polina cũng là bản hợp đồng có giá trị cao nhất trong số các cầu thủ ngoại thi đấu tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022.
Geleximco Thái Bình đã chi trả 43 nghìn USD (xấp xỉ 1 tỷ đồng) để có được sự phục vụ của "ngoại binh" người Azerbaijan trong hai tuần. Sau những trận ban đầu chưa quen với đồng đội mới, càng về sau, Polina Rahimova chơi càng tốt. Mỗi khi tay đập này phát bóng, bật nhảy đập bóng tấn công thì các hàng chắn đối phương đa phần đều bất lực. Ðiều này dễ hiểu bởi chủ công này cao 1,98m, có lực đánh bóng không khác các đồng nghiệp nam.
Danh hiệu "Cầu thủ tấn công xuất sắc nhất giải" được Ban tổ chức trao cho Polina Rahimova là hoàn toàn xứng đáng. Bên cạnh đó, vẫn có ngoại binh chưa thể hiện được tốt khả năng chuyên môn, như trường hợp của Katerina Zhikova (đội nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc) hay Philip James Freere (đội nam Sanest Khánh Hòa). Thể thức thi đấu ở Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 có thêm lượt tứ kết đã mang đến nhiều bất ngờ về chuyên môn. Ðội bóng mạnh tại vòng bảng chưa chắc đã là đội lọt vào bán kết.
Việc đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin thua Geleximco Thái Bình tại tứ kết, mất cơ hội lọt vào nhóm 4 đội bóng xuất sắc nhất là bất ngờ lớn. Không ai nghĩ đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin lại thua trận. Tuy nhiên, đối thủ Geleximco Thái Bình cũng phải vất vả trải qua 5 ván đấu mới vượt qua thầy trò huấn luyện viên Phạm Minh Dũng (Bộ Tư lệnh Thông tin) trên đường giành cúp vô địch.
Có thể nói, sau mùa giải 2022, sự góp mặt của các vận động viên người nước ngoài đã đem lại hiệu quả rất rõ ràng. Geleximco Thái Bình từ câu lạc bộ chỉ lo trụ hạng, nhờ chiêu mộ được Polina Rahimova bất ngờ vượt qua nhiều đối thủ để lên ngôi vô địch quốc gia. Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, trình độ của Geleximco Thái Bình chỉ ở tầm trung, nhưng họ đã chơi thăng hoa nhờ được Polina Rahimova "truyền lửa". Hóa chất Ðức Giang Hà Nội lần thứ 3 liên tiếp giành ngôi á quân nữ, mùa này cũng chiêu mộ được "ngoại binh" rất chất lượng Moma Bassoko (Cameroon). Ngay cả những đội bóng không mấy nổi bật như Lavie Long An, Kinh Bắc Bắc Ninh và Thanh Hóa đều thuê mỗi đội hai cầu thủ người nước ngoài.
Việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lần đầu tiên đưa công nghệ hỗ trợ trọng tài Video Challenge Eyes đã giúp 22 đội bóng có sự thoải mái về tâm lý và không xảy ra nhiều tình huống tranh cãi với trọng tài. Tiếc một chút, hệ thống "mắt thần" đưa vào phục vụ giải đấu từ vòng tứ kết, nếu thiết bị có mặt sớm tại Việt Nam, được vận hành ngay từ đầu thì một số trận tại vòng bảng (diễn ra ở Vĩnh Phúc, Ninh Bình) đã không xảy ra tranh cãi về công tác điều hành của trọng tài.
Ông Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, chia sẻ: "Hệ thống gồm 21 camera lắp tại mỗi nhà thi đấu được vận hành tốt, có chuyên gia Thái Lan đến chuyển giao công nghệ cho cán bộ của Ban tổ chức, giúp các trận đấu từ lượt tứ kết thêm phần hấp dẫn. Mặc dù trước Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 rất nhiều ý kiến đưa ra dành cho ban tổ chức và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam xem xét nên hay không nên lắp hệ thống "mắt thần". Thực tế, sau khi có sự hỗ trợ của công nghệ, huấn luyện viên các đội đã sử dụng triệt để quyền khiếu nại sau những tình huống cho rằng trọng tài quyết định lỗi chưa chính xác, hay không theo kịp pha bóng nhanh.
Bên cạnh đó, Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 diễn ra trong một vòng đấu bao gồm cả vòng bảng và vòng chung kết thay vì đấu hai vòng như mọi năm cũng là một khác biệt. Theo lộ trình, từ mùa giải 2022 chúng ta đang giảm số lượng đội, từ 12 đội xuống 10 đội và thực hiện trong 3 năm. Kết hợp với đó là việc thay đổi hình thức thi đấu, chỉ thi đấu một vòng đã tạo sự cạnh tranh của các đội được đẩy cao hơn. Các đội phải nỗ lực thi đấu từng trận, thay vì có sự tính toán vòng 1, vòng 2. Tất cả những sự thay đổi kể trên của Ban tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu nâng tầm bóng chuyền Việt Nam.