Làm rõ hơn tính xã hội hóa cho cờ vua

15:13 - Thứ Ba, 16/08/2022 Lượt xem: 7380 In bài viết

Đội tuyển cờ vua nữ Việt Nam chỉ đứng hạng 53 tại giải cờ vua đồng đội thế giới (Olympiad) năm 2022, vừa kết thúc tại Ấn Độ. Không kể, nhiều kỳ thủ Việt Nam cũng đang mướt mải tìm thêm hệ số elo quốc tế để có thể được góp mặt ở các giải quốc tế cấp độ cao hơn. Tất cả cho thấy cần hướng đi rõ ràng và mang tính xã hội hóa rõ hơn trong đầu tư cho các kỳ thủ cờ vua.

Đội tuyển nữ cờ vua Việt Nam tham dự Olympiad năm 2022.

Thiếu cọ xát, khó nói chuyện thành tích

Việc đội tuyển cờ vua nữ Việt Nam chỉ đứng hạng 53 tại Olympiad năm 2022 không gây bất ngờ cho người làng cờ Việt Nam. Theo ông Nguyễn Minh Thắng, phụ trách Bộ môn cờ vua - Tổng cục Thể dục Thể thao, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, đây là việc bình thường khi các kỳ thủ nữ Việt Nam ít tham dự các giải quốc tế. 

Đó cũng là câu chuyện được nhắc đến liên tục trong thời gian qua. Điều đó cũng dẫn đến việc nhiều kỳ thủ không tích lũy được hệ số elo cần thiết, các danh hiệu quốc tế để đủ điều kiện dự những giải đấu quốc tế. 

Ngay cuối tháng 7 vừa qua, rất nhiều kỳ thủ Việt Nam muốn tham dự các giải đấu trong hệ thống “Giải cờ vua Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2022”, nhưng cuối cùng đành đứng ngoài cuộc chơi do không đủ điều kiện về hệ số elo. 

Thực tế, từ nhiều năm nay, các kỳ thủ Việt Nam thường phải trông vào sự đầu tư từ đơn vị chủ quản và Tổng cục Thể dục Thể thao để thi đấu quốc tế, tăng hệ số elo, giành chuẩn các danh hiệu quốc tế. Đương nhiên, nguồn ngân sách không bao giờ có thể đáp ứng hết yêu cầu tập huấn, thi đấu quốc tế để tạo nên lực lượng kỳ thủ đông đảo, có trình độ cao trong làng cờ thế giới, có thể giúp cờ vua Việt Nam duy trì thành tích ổn định. Cho nên, đến tháng 8-2022, Việt Nam mới chỉ có 13 Đại Kiện tướng quốc tế nam, trong đó có người được phong danh hiệu này khi đã ngoài 30 tuổi. 

Trong khi đó, giải pháp tổ chức liên tục các giải đấu quốc tế ngay tại Việt Nam, thay vì 1-2 giải mỗi năm, đã bắt đầu được thực hiện. Đây là giải pháp căn cơ để tiết kiệm kinh phí cho vận động viên Việt Nam, giúp họ nhanh chóng có hệ số elo và các danh hiệu quốc tế từ Liên đoàn Cờ vua thế giới như Kiện tướng FIDE, Kiện tướng quốc tế, Đại Kiện tướng quốc tế… Tuy nhiên, để giải đấu thực sự như kỳ vọng vẫn còn chặng đường dài, bắt đầu bằng việc có nền tảng vững chắc từ hệ số elo, danh hiệu của kỳ thủ. 

Liên đoàn Cờ Việt Nam nhìn nhận, khối lượng công việc sẽ rất nặng nề. Trong đó phải tổ chức thật nhiều giải đấu ở trong nước được Liên đoàn Cờ vua thế giới công nhận, giúp vận động viên tích lũy hệ số elo. Từ đây sẽ có nhiều kỳ thủ đủ điều kiện thi đấu các giải quốc tế, để lấy chuẩn các danh hiệu quốc tế, trước mắt tập trung lấy chuẩn Kiện tướng quốc tế.

Kỳ thủ Việt Nam thi đấu tại Giải cờ vua Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2022.

Cần thêm cú hích

Những diễn biến gần đây cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc hỗ trợ các kỳ thủ Việt Nam có điều kiện thi đấu quốc tế với mức kinh phí tiết kiệm nhất mà vẫn đáp ứng yêu cầu chuyên môn. 

Trong 3 tháng qua, tại Hà Nội đã diễn ra 3 giải cờ vua quốc tế do Liên đoàn Cờ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Đây là chuyện chưa từng có trong làng cờ vua Việt Nam. Đặc biệt, ở 2 giải đấu gần đây nhất thuộc hệ thống “Giải cờ vua Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2022”, có 1 kỳ thủ Việt Nam giành được chuẩn Kiện tướng quốc tế; 3 kỳ thủ Việt Nam khác được phong trực tiếp danh hiệu Kiện tướng FIDE. Ngoài ra, nhiều kỳ thủ Việt Nam tăng hệ số elo, trong đó, kỳ thủ Nguyễn Vương Tùng Lâm tăng 198 điểm; Trần Đăng Minh Đức 189 điểm; Trần Đăng Minh Quang 145 điểm; Bành Gia Huy 107 điểm; Hoàng Minh Hiếu 106 điểm…

Phụ trách Bộ môn cờ vua - Tổng cục Thể dục Thể thao, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam Nguyễn Minh Thắng cho rằng: “Chúng tôi hiểu rằng, khó khăn nhất chính là huy động nguồn xã hội hóa để đồng hành với kỳ thủ. Việc tổ chức các giải quốc tế tại Hà Nội như thời gian qua là hướng đi phù hợp, thể hiện tính xã hội hóa rất cao trong việc phát triển môn cờ vua. Vì thế, Liên đoàn Cờ Việt Nam sẽ đặc biệt coi trọng hướng đi này trong tương lai”. 

Còn Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, Tổng trọng tài, đồng thời tham gia tổ chức các giải trên, cũng nhận định, hiệu quả ban đầu từ việc tổ chức các giải đấu quốc tế tại Việt Nam đã rõ ràng. Nhưng về lâu dài vẫn cần thêm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chung tay tổ chức các giải cờ vua quốc tế tại Việt Nam để tạo thêm cú hích mạnh cho cờ vua Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, phải bảo đảm được nguồn lực tài chính ổn định cho tổ chức giải đấu thông qua tài trợ, quảng cáo, phí tham dự từ các kỳ thủ, các sự kiện liên quan… Nếu không, sẽ khó duy trì cách làm này. 

Ông Bùi Vinh cũng khẳng định, một hướng đi khác cần làm rõ là phải đưa các kỳ thủ ra nước ngoài thi đấu càng nhiều càng tốt để được cọ xát ở những sân chơi phát triển hơn về chuyên môn. Trong điều kiện hiện nay, không thể trông chờ kinh phí từ ngân sách mà cần phải có sự chung sức từ các gia đình để cờ vua Việt Nam sớm có nhiều hơn những Kiện tướng quốc tế, Đại Kiện tướng quốc tế ngay trước 18 tuổi. Theo tính toán, để có thể đạt mục tiêu Đại Kiện tướng quốc tế, cần đầu tư gần 1 tỷ đồng/năm cho một kỳ thủ trẻ trong chu kỳ 4-6 năm.  

“Mỗi quốc gia có một chiến lược riêng trong đầu tư cho các kỳ thủ nhưng quan trọng nhất là phải có nguồn lực tài chính. Từ đó có lực lượng ở trình độ cao, giúp nâng vị thế làng cờ vua Việt Nam cũng như duy trì ổn định thành tích trong làng cờ vua thế giới", ông Bùi Vinh nói.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top