Phía sau kỷ lục thế giới

08:04 - Thứ Bảy, 20/08/2022 Lượt xem: 8044 In bài viết

Ba tay vợt Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh sẽ sang Nhật Bản tham dự Giải vô địch cầu lông thế giới, khởi tranh từ ngày 22-8. Đối với Nguyễn Tiến Minh, đây là lần thứ 13 giành quyền tham dự Giải cầu lông vô địch thế giới. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Tiến Minh sẽ lập kỷ lục về số lần tham dự giải này.

 

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh tiếp tục lập cột mốc mới về số lần dự Giải cầu lông vô địch thế giới. Ảnh: Danh Lam

Cột mốc đáng tự hào

Cho đến trước Giải vô địch cầu lông thế giới năm 2022, Nguyễn Tiến Minh đã có 12 lần dự giải. Lần đầu vào năm 2005, anh dừng bước ở vòng 2 trước huyền thoại cầu lông Đan Mạch Peter Gade. Cũng phải nói thêm rằng, để được dự Giải vô địch cầu lông thế giới, vận động viên (VĐV) phải đáp ứng được tiêu chí nhất định.

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà, ở nội dung đơn nam Giải vô địch cầu lông thế giới 2022 có 64 tay vợt tham dự, căn cứ vào bảng xếp hạng thế giới, theo thứ tự từ trên xuống dưới. Các VĐV thuộc nhóm 8 tay vợt hàng đầu thế giới được quyền tham dự, với điều kiện chỉ có tối đa bốn người thuộc một liên đoàn cầu lông quốc gia. Các tay vợt từ thứ 9 đến thứ 24 được dự với tối đa ba người thuộc một liên đoàn. Các tay vợt từ thứ 25 đến 150 được dự với tối đa hai người cùng một liên đoàn. Với những tiêu chí trên, Tiến Minh được dự vì đứng thứ 75 thế giới, cũng là tay vợt có thứ hạng thế giới cao nhất của Việt Nam. Chúng ta không còn VĐV khác dự nội dung đơn nam do không có tay vợt nào nằm trong nhóm 150 tay vợt hàng đầu thế giới ngoài Nguyễn Tiến Minh.

Trong lịch sử cầu lông thế giới, chỉ có tay vợt nổi tiếng người Trung Quốc Lin Dan có 12 lần tham dự giải vô địch thế giới, nhưng vào năm 2020 tay vợt này đã giã từ sự nghiệp thi đấu. Một tay vợt nổi tiếng khác là Lee Chong Wei (Malaysia) có 11 lần tham dự Giải vô địch cầu lông thế giới.

Nguyễn Tiến Minh đã giành 1 Huy chương Đồng (năm 2013) trong 12 lần dự Giải vô địch cầu lông thế giới, là tay vợt Việt Nam duy nhất từ trước đến nay giành được huy chương ở giải này. Đến lúc này, ở tuổi 39, anh vẫn miệt mài thi đấu để giữ vị trí trong nhóm 100 tay vợt hàng đầu thế giới. Và, nếu thi đấu ở Giải vô địch cầu lông thế giới sắp tới, Nguyễn Tiến Minh sẽ lập thêm kỷ lục thế giới dành cho tay vợt lớn tuổi nhất từng dự nội dung đơn nam của giải.

Nối bước như thế nào?

Nhiều người tìm cách lý giải việc Nguyễn Tiến Minh vẫn bền bỉ thi đấu và giữ được thứ hạng tốt dù tuổi đã cao. Sự chuyên nghiệp trong tập luyện, thi đấu, nghỉ ngơi; niềm đam mê với cầu lông; sự quan tâm của các doanh nghiệp; ý chí không bỏ cuộc..., đó là câu trả lời cho hành trình vượt khó “có một không hai” trong làng cầu lông Việt Nam của Nguyễn Tiến Minh.

Tuy nhiên, cũng sẽ đến lúc tay vợt này phải dừng lại bởi tuổi tác sẽ khiến anh không thể thi đấu quốc tế liên tục với mật độ dày đặc để tích lũy điểm số trên bảng xếp hạng thế giới. Tuổi tác và thể lực suy giảm cũng khiến anh khó vào sâu tại các giải đấu, đồng nghĩa với việc số tiền thưởng thu được không đủ bù đắp chi phí cho các chuyến thi đấu tại nước ngoài.

Khi Tiến Minh không còn thi đấu, câu hỏi đặt ra là, các tay vợt trẻ sẽ cần gì để nối bước Tiến Minh?

Ai cũng biết rằng Việt Nam không thiếu tay vợt tài năng, quan trọng là cách đầu tư và môi trường tập luyện của họ. Chuyên gia cầu lông Dương Thị Liên, từng nhiều năm đảm nhiệm vai trò Trưởng bộ môn Cầu lông (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) chia sẻ rằng, với cầu lông Việt Nam, các tay vợt chỉ có cách du đấu nước ngoài liên tục để nâng cao trình độ. Nếu chỉ tập trong nước với nhau thì rất khó nâng cao năng lực chuyên môn. Mà để các VĐV có điều kiện thi đấu ở nước ngoài thường xuyên thì phải làm tốt công tác xã hội hóa, nói một cách khác là cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, gia đình VĐV bởi ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị chủ quản hoặc Tổng cục Thể dục thể thao chỉ đủ giúp VĐV dự một số giải quan trọng.

Trong làng cầu lông Hà Nội, bộ đôi Đỗ Tuấn Đức - Phạm Như Thảo từng liên tục giữ vị trí trong nhóm 50 đôi vợt hàng đầu thế giới nội dung đôi nam nữ cũng là nhờ có sự giúp đỡ của doanh nghiệp, gia đình bên cạnh sự tiếp sức của ngành Thể thao Hà Nội. Một số VĐV khác, trong đó có Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát đã và đang được một số doanh nghiệp hỗ trợ khi thi đấu tại các giải quốc tế hàng đầu.

Ngoài ra, để vươn lên, trở thành tay vợt hàng đầu thế giới, VĐV còn phải có niềm đam mê, phong cách chuyên nghiệp trong cả tập luyện và thi đấu. Đó là đặc điểm nổi bật ở Nguyễn Tiến Minh so với nhiều tay vợt Việt Nam khác, giúp anh luôn có thành tích thi đấu quốc tế tốt hơn.

Đúng là có nhiều điều đáng để vui với việc cầu lông Việt Nam có Nguyễn Tiến Minh 13 lần thi đấu ở Giải vô địch cầu lông thế giới. Thành tích đáng tự hào của anh không chỉ giúp tên tuổi cầu lông Việt Nam vang xa, để lại bài học quý giá về hành trình thi đấu chuyên nghiệp của một VĐV, mà còn có ý nghĩa thúc đẩy làng cầu lông Việt Nam tự tin hướng về phía trước.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top