Cần quyết liệt đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, hồi phục cho vận động viên

16:27 - Thứ Năm, 09/11/2023 Lượt xem: 5573 In bài viết

Câu chuyện về hồi phục, về cơ sở vật chất phục vụ tập luyện cho VĐV chắc chắn sẽ được đề cập tại hội thảo về phát triển thể thao thành tích cao của ngành Thể thao vào cuối tháng 11 này. Chuyện không mới nhưng nếu cứ để “lai rai”, không có động thái quyết liệt từ phía cơ quan quản lý thì còn ảnh hưởng nhiều tới thành tích của VĐV Việt Nam ở các đấu trường quốc tế.

Thiếu nhiều bề

Mới đây trong cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ VH,TT&DL với Cục TDTT, các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, hàng loạt vấn đề liên quan đến hệ thống cơ sở vật chất tại các Trung tâm đã được đặt ra. Trong đó, phía Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cho hay, có 59 đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ tập huấn tại Trung tâm, đông nhất so với 3 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia còn lại ở Việt Nam. Với điều kiện cơ sở vật chất hiện có, liên quan đến trang thiết bị tập luyện, chỗ ăn ở cho VĐV, Trung tâm mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của các đội tuyển. Chính vì vậy, để tránh tình trạng quá tải, Trung tâm đã gửi một số đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ tới các đơn vị, địa phương lân cận có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu tập luyện như: Hải Phòng, Hòa Bình, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội… Việc này cũng tạo ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý, đặc biệt việc kiểm soát chất lượng chăm sóc và tập luyện của VĐV ở một số đội tuyển.

Đội tuyển điền kinh quốc gia tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

Còn với ngay các đội tuyển ở Trung tâm, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, hồi phục cũng chỉ ở mức tối thiểu. Trung tâm không có phòng tập thể lực theo đúng nghĩa. Các đội tuyển chỉ tập thể lực với những thiết bị đơn giản. Ngay như đội tuyển điền kinh vốn được quan tâm chăm sóc nhưng thiết bị tập thể lực cũng chỉ là ít tạ đòn, tạ tay… trong khi VĐV tập tạ ở ngoài trời. Rồi phòng phục hồi như với các thiết bị như bể sục, bồn ngâm… cũng là xa xỉ ở Trung tâm. Và dù người trong cuộc không nói ra thì chỉ cần quan sát, người ngoài cũng nhìn ra vấn đề khác là hệ thống cơ sở vật chất của Trung tâm hoàn toàn có thể nâng cấp với nhiều tầng để phục vụ cho nhiều bộ môn thay vì phải đưa một số môn đến nơi khác tập luyện. Tuy vậy, vấn đề ở đây là đang thiếu quy hoạch cụ thể để tận dụng tối đa diện tích đất tại Trung tâm.

Còn câu chuyện của đại diện Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh liên quan đến việc Trung tâm đang có hai bể bơi trong đó phần bệ xuất phát đã cũ, xuống cấp từ khá lâu, không còn phù hợp cho tập luyện. Điều này gián tiếp ảnh hưởng tới thành tích của VĐV trong thi đấu, tập luyện. Nói kỹ hơn về điều này, phụ trách bộ môn bơi của Cục TDTT Lê Thanh Huyền cũng kể rằng, thực tế từ các giải đấu quốc tế cho thấy, nhiều VĐV bơi Việt Nam đã bị mắc lỗi, ngay ở khâu xuất phát dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đấu.

Thực tế, câu chuyện ở các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia về hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, hồi phục cho VĐV cũng chưa phản ánh hết hiện trạng ở các cơ sở của nhà nước dành cho thể thao thành tích cao. Ngay như ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, nơi có hệ thống cơ sở vật chất hàng đầu trong các Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, thành, ngành cũng mới chỉ đáp ứng các yêu cầu tối thiểu. Còn phòng gym, phòng hồi phục phục vụ cho toàn bộ VĐV của Trung tâm và xa hơn là các chuyên gia vật lý trị liệu… vẫn luôn ở thì tương lai.

Đó là lý do tại sao càng cần trân trọng thành tích của VĐV Việt Nam tại các đấu trường quốc tế. Thậm chí thành tích giành 3 HCV tại ASIAD 19 vừa qua lại càng đáng trân trọng khi đã vượt chỉ tiêu tối thiểu về HCV. Và cũng không cần phải nói lời “xin lỗi” nếu nhìn vào những điều kiện phục vụ tập luyện, thi đấu cho VĐV như hiện nay.

Hội thảo phải ra động thái giải quyết cụ thể

Cuối tháng 11 này, Cục TDTT sẽ tổ chức hội thảo về phát triển thể thao thành tích cao. Một trong những lý do dẫn đến hội thảo cũng bởi thành tích còn chưa như mong muốn của thể thao Việt Nam ở những đấu trường lớn như Olympic hay ASIAD. Tại hội thảo này, đương nhiên những vấn đề như cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, hồi phục cho VĐV sẽ được đề cập nhiều. Đơn giản, đó là một những yếu tố quan trọng, tác động mạnh đến thành tích của VĐV, khiến thể thao Việt Nam luôn phải vượt khó.

Trong chia sẻ của mình, nhiều HLV và VĐV khi được tập huấn nước ngoài như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… đều không khỏi thán phục khi nhìn vào hệ thống cơ sở vật chất ở các nước này dành cho các đội tuyển thể thao quốc gia. Đó cũng là một trong những lý do để phải đưa các đội tuyển đi tập huấn nước ngoài trong khi hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện ở trong nước vẫn đang nghèo nàn, chỉ ở mức tối thiểu.

Tất nhiên, đây cũng chỉ là một trong những vấn đề liên quan đến phát triển thể thao thành tích cao. Ai cũng hiểu là cần sự đầu tư tổng thể từ khâu ăn ở dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý, tập huấn, thi đấu quốc tế cho đến hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, hồi phục cho VĐV. Các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý hay đại diện của các cơ quan liên quan từ hội thảo sắp tới sẽ là kênh quan trọng để thấy tính cấp thiết của vấn đề đầu tư, tăng nguồn lực cho thể thao thành tích cao.

Việc sớm giải quyết những bất cập liên quan đến cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, hồi phục cho VĐV thực tế hoàn toàn trong tầm tay của ngành Thể thao. Quan trọng là phải có sự tham mưu nhanh chóng, quyết liệt từ phía Cục TDTT và động thái giải quyết cũng cần quyết liệt từ phía bộ phận có trách nhiệm ở phía trên.

Thiếu trầm trọng nhân viên hồi phục

Tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia hay các địa phương đang thiếu trầm trọng các nhân viên hồi phục, vật lý trị liệu cho VĐV. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến chế độ đãi ngộ, khả năng chi trả của các Trung tâm, dẫn đến các VĐV bị ảnh hưởng thành tích rất nhiều.

Minh Khuê

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top