Đấu kiếm Việt Nam và nỗi lo giữ vị thế

16:58 - Thứ Hai, 13/11/2023 Lượt xem: 4388 In bài viết

Đấu kiếm là môn thế mạnh của thể thao Việt Nam, từng có lúc vững vàng ở vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ thành tích thụt lùi do hệ thống thi đấu trong nước đã ít nay lại “teo tóp” hơn.

Với việc chỉ có duy nhất một giải vô địch quốc gia trong năm 2023, đấu kiếm Việt Nam gặp phải nỗi lo khó giữ vững vị thế ở khu vực Đông Nam Á, chưa kể đến việc vươn tầm ở đẳng cấp châu lục hay xa hơn là giành vé tới đấu trường Olympic.

Các vận động viên thi đấu tại Giải đấu kiếm vô địch quốc gia năm 2023.

“Đói” giải đấu đủ tầm

Giải đấu kiếm vô địch quốc gia 2023 diễn ra từ ngày 23 đến 29-10 tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (Hà Nội) do Cục Thể dục thể thao tổ chức chỉ có 8 đơn vị với gần 130 kiếm thủ (nam, nữ) đăng ký góp mặt gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Đáng nói đây là giải đầu tiên và cũng là giải đấu duy nhất trong năm của đấu kiếm Việt Nam. Từ nay đến cuối năm 2023, hệ thống thi đấu quốc gia của đấu kiếm không còn giải đấu nào. Đồng nghĩa với việc các vận động viên không thể thêm cơ hội nào được tranh tài ở những tháng còn lại năm 2023. Ở những năm trước, ít nhất đấu kiếm Việt Nam còn có giải đấu cho vận động viên trẻ thuộc hệ thống quốc gia như vô địch quốc gia, vô địch trẻ quốc gia, vô địch trẻ U23 hay vô địch các câu lạc bộ. Tuy nhiên, nguyên do khiến đấu kiếm của năm 2023 chỉ có thể tổ chức một giải quốc nội duy nhất (tính đến lúc này) không hẳn do kinh phí hạn hẹp mà còn từ khâu ráp nối giữa bộ môn đấu kiếm của Cục Thể dục thể thao với các địa phương có khả năng đăng cai tổ chức giải.

Đa số các huấn luyện viên của 8 đơn vị tham dự giải vô địch quốc gia năm nay đều chung mong mỏi nhà quản lý cần có sự tính toán phù hợp để trong một năm số giải đấu được tổ chức nhiều hơn, vận động viên có cơ hội thi đấu thì mới giữ chân được vận động viên. Việc không có thêm giải đấu không chỉ để các vận động viên có thể thi đấu cọ xát nâng cao trình độ mà còn liên quan đến các khoản thưởng ngoài lương nhằm tăng thu nhập, cũng như giữ chân các vận động viên kiên trì với nghề.

Trọng tài quốc tế môn đấu kiếm Phạm Anh Tuấn cho hay, ở các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Singapore, Philippines…, các vận động viên có thể tham dự 1-3 giải đấu trong nước mỗi tháng ở mọi cấp độ. Điều này cho thấy nguy cơ tụt hậu ngày càng xa trong công tác đào tạo của môn đấu kiếm tại Việt Nam. Trong khi đó, đấu kiếm vẫn được xem là một trong những môn có khả năng tranh chấp Huy chương vàng ở SEA Games, tranh vé dự Olympic… “Nếu trong nước được cọ xát liên tục, phong trào của môn đấu kiếm sẽ được nhân rộng rồi từ đó có thêm những sự phát triển tiếp theo. Ở Việt Nam lúc này đúng là quá thiếu giải đấu”, ông Phạm Anh Tuấn bày tỏ.

Tìm hướng đi mới cho đấu kiếm Việt Nam

Phụ trách môn đấu kiếm (Cục Thể dục thể thao) Phùng Lê Quang khẳng định, đấu kiếm là môn thể thao đòi hỏi về cơ sở vật chất tương đối khắt khe. Đặc biệt, dụng cụ tập luyện kiếm lại thuộc kiểm soát vũ khí và vật liệu nổ nên nhập được các trang thiết bị tập luyện cho các vận động viên rất khó khăn. Mặt khác, kinh phí hạn hẹp là một trong những nguyên nhân khiến chỉ có tổ chức tối đa 3 giải đấu cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia như giải vô địch quốc gia, giải U23 quốc gia, giải trẻ quốc gia. Không kể, việc mua sắm trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu cũng gặp những khó khăn khách quan.

Đấu kiếm là môn Olympic. Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam có nhiều kiếm thủ thành danh ở đấu trường SEA Games những năm gần đây. Tuy nhiên, việc một môn Olympic rất cần sự đầu tư mà một năm chỉ tổ chức một giải đấu quốc gia như năm 2023 thì rõ là bất cập.

Đi tìm lời giải cho điều này, những người tâm huyết với đấu kiếm Việt Nam đang vận động các nhà doanh nghiệp, nhà quản lý các lĩnh vực để tổ chức đại hội thành lập Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam. Nếu kế hoạch thành công, Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cường các hoạt động tổ chức chuyên môn và tìm được nhiều nguồn lực xã hội đồng hành.

Trọng tài quốc tế môn đấu kiếm Phạm Anh Tuấn cho hay: “Chúng tôi rất hy vọng Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam sẽ sớm được thành lập, tạo sự kết nối với các liên đoàn đấu kiếm trên thế giới. Đặc biệt, liên đoàn sẽ tìm được những người tâm huyết, chung sức xây dựng nguồn lực để phát triển môn đấu kiếm tại Việt Nam. Nếu có nguồn lực xã hội, tức là có sự đầu tư mạnh về tài chính, sẽ có nhiều giải đấu ngay trong nước được tổ chức hơn, các tuyển thủ đấu kiếm được thi đấu, tập huấn nước ngoài nhiều. Nhờ đó, trình độ chuyên môn được nâng cao. Rõ ràng, dù chúng ta sở hữu những vận động viên có năng lực nhưng sự đầu tư mới là điều cần thiết”.

Nếu Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam ra mắt và hoạt động hiệu quả, chắc chắn đấu kiếm Việt Nam sẽ được hưởng lợi, thêm nhiều sân chơi hơn và sẽ thúc đẩy nhiều địa phương quan tâm đầu tư môn thể thao này. Như nhiều môn thể thao khác, đấu kiếm Việt Nam muốn phát triển cũng cần sự chung tay, góp sức từ các nguồn lực xã hội.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top