Đội tuyển vật Việt Nam tìm đột phá tới Olympic

14:56 - Thứ Năm, 07/12/2023 Lượt xem: 3908 In bài viết

Lúc này, đội tuyển vật Việt Nam đang thi đấu tại Giải vô địch vật Đông Nam Á 2023 tại Campuchia. Ngôi Nhất toàn đoàn xem ra khó thoát khỏi tay các đô vật Việt Nam nên các nhà quản lý chỉ xem đây là cơ hội để cọ xát để hướng đến mục tiêu lớn hơn. Điều họ quan tâm nhất lúc này đương nhiên là tấm vé dự Olympic 2024 và các kỳ Olympic sau này.

Tận dụng cơ hội tham dự giải

Năm 2023 có thể coi như một năm sôi động đối với làng vật Đông Nam Á. Gần giữa năm, môn vật của SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia trong sự hồ hởi của các đô vật. Đến gần cuối năm, sự nhiệt tình với phong trào vật của khu vực đã khiến Campuchia đứng ra đăng cai Giải vô địch vật Đông Nam Á 2023.

Đô vật Nguyễn Thị Xuân (trên) được nhắm đến cho các mục tiêu lâu dài của đội tuyển vật Việt Nam.

Cũng nhờ vậy, các đô vật trong khu vực mới có thêm dịp tranh tài để tăng cảm giác thi đấu. Với các đô vật Việt Nam, đó còn là cơ hội để vừa có danh tiếng vừa có tiền thưởng. Đơn giản, đây là sân chơi vừa sức với nhiều đô vật Việt Nam. Ở đó, điều lệ thi đấu “thoáng” hơn SEA Games, tạo điều kiện để nhiều VĐV cùng một quốc gia có thể tranh tài ở cùng hạng cân. Cũng vì vậy, theo danh sách đăng ký, Việt Nam có tới 62 đô vật cùng 14 HLV tham dự giải đấu này.

Trong số này, nhiều HLV và đô vật tham dự bằng kinh phí của đơn vị chủ quản. Thậm chí trước đây, nhiều HLV và VĐV vật dự giải bằng kinh phí tự túc bởi có niềm tin sẽ giành huy chương. Và cứ theo tính toán, riêng mức thưởng theo Nghị định số 152 năm 2018 của Chính phủ cho thành tích 1 HCĐ ở Giải vô địch Đông Nam Á (15 triệu đồng với môn nhóm 1 như môn vật) cũng có thể trang trải được chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian thi đấu. Ngoài, ra, nếu địa phương hoặc ngành chủ quản của VĐV có thêm mức thưởng thì coi như VĐV giành huy chương có thêm chút “của ăn của để”.

Còn thành phần VĐV của đội tuyển vật quốc gia tham dự bằng nguồn kinh phí ngân sách do bộ môn vật (Cục TDTT) được giao quản lý đương nhiên phải là những đô vật xuất sắc nhất Việt Nam ở từng hạng cân. Trong số họ, nhiều người đã cống hiến lâu năm cho đội tuyển quốc gia, có người được hướng tới các mục tiêu lâu dài. Với lực lượng này, ngôi Nhất toàn đoàn ở từng nội dung thi đấu được xem là chuyện đương nhiên với các đô vật Việt Nam.

Cho nên, với trình độ vượt trội ở nhiều hạng cân, các đô vật Việt Nam cũng sẽ không học hỏi được quá nhiều về chuyên môn từ sân chơi Đông Nam Á dù các đô vật Indonesia đang trở lại mạnh mẽ hay Campuchia vẫn mang tham vọng tạo vị thế mới sau những bước đi quyết đoán về xây dựng lực lượng (trong đó có nhập tịch một số đô vật) trong những năm qua. Nhưng đó vẫn là sân chơi cần thiết, đặc biệt khi các đô vật Việt Nam luôn “đói” thi đấu quốc tế. Nếu có cơ hội dự giải, dù là giải Đông Nam Á cũng phải tận dụng tối đa.

Đường đến tấm vé Olympic

Nếu gần chục năm trước, vật Việt Nam luôn thấy “cửa” giành vé dự Olympic nhờ sở hữu những đô vật đã khẳng định được trình độ ở sân chơi châu lục thì hiện tại, đấy lại là nỗi đau đầu của các nhà quản lý. Từ lâu, họ đã coi các đô vật tự do nữ là mũi nhọn để hướng đến tấm huy chương ASIAD hay tấm vé dự Olympic. Nhưng rồi, đến mũi nhọn này cũng mai một do chỉ sở hữu những đô vật có thể vượt trội ở sân chơi Đông Nam Á nhưng lại chấp chới ở ngay sân chơi châu lục, chứ chưa kể đến sân chơi thế giới. Ngay ở ASIAD 19 vừa qua, các đô vật Việt Nam cũng không thể giành huy chương và hầu như mất cơ hội tranh chấp huy chương ngay sau trận đấu đầu tiên.

Trước đó, trong hai giải đấu có trao vé dự Olympic 2024 là Giải vô địch châu Á năm 2023 và Giải vô địch thế giới năm 2023, các đô vật Việt Nam cũng không thể giành vé.

Trong thời gian qua, các nhà quản lý môn vật căn cứ vào nguồn kinh phí được cấp cũng cố gắng tìm những hướng đi mới để nâng tầm cho các đô vật nữ Việt Nam. Trong đó, có việc hợp tác với Liên đoàn vật Nhật Bản để được các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam huấn luyện trong thời gian ngắn hay đưa các đô vật Việt Nam đi tập huấn ở Nhật Bản. Đây được xem là hướng đi phù hợp do các đô vật nữ hạng nhẹ của Nhật Bản đang luôn ở nhóm hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, công nghệ huấn luyện của Nhật Bản có nhiều nét mới mẻ, đem đến sự phong phú về kiến thức huấn luyện cho các HLV Việt Nam, về kiến thức thi đấu và tập luyện của cho các đô vật Việt Nam.

Trong chia sẻ của mình, phụ trách bộ môn vật (Cục TDTT) Tạ Tùng Đức từng kể rằng sẽ phải làm mới đội ngũ VĐV đội tuyển trong thời gian tới, bắt đầu từ năm 2024. Theo đó, chỉ cần đầu tư số ít tuyển thủ trẻ có khả năng phát triển lâu dài, cho ASIAD 20 năm 2026 và xa hơn là vòng loại Olympic 2028. Có một điều khác, dù nhà quản lý không đề cập nhưng được giới chuyên môn quan tâm chính là sự quyết đoán trong sử dụng nhân sự, không vì danh tiếng quá khứ của VĐV mà vẫn đưa đi thi đấu. Ở đây, vai trò quyết định của các thành viên Ban huấn luyện cần được tôn trọng tối đa. Chỉ có như vậy mới tạo nên sự cạnh tranh sòng phẳng, giúp các tuyển thủ đều có động lực để hoàn thiện bản thân thay vì “gặm nhấm” thành tích trong quá khứ.

Cho nên, để có đột phá như kỳ vọng nhằm có thể cạnh tranh sòng phẳng huy chương ở châu lục cũng như tấm vé dự Olympic, như nhiều chuyên gia nhận định, cần có “bột” – đội ngũ VĐV đủ năng lực ở hạng cân nhẹ, để “gột nên hồ”. Tất nhiên, bên cạnh đó là điều kiện về tài chính để tập huấn, thi đấu quốc tế nhiều hơn giai đoạn vừa qua. Cũng để thấy, đường đến tấm vé dự Olympic với vật Việt Nam lúc này không hề đơn giản.

Trông vào vòng loại Olympic khu vực châu Á

Sau Giải vô địch Đông Nam Á 2023, đội tuyển vật quốc gia không dự giải quốc tế nào khác. Đến đầu năm 2024, đội tuyển tập trung trở lại, trong đó các đô vật nữ tập trung cao độ cho vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á vào tháng 4-2024 tại Kyrgyzstan và vòng loại của thế giới diễn ra trong tháng 5-2024 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á được kỳ vọng hơn cả. (Minh Hà)

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top