Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Một số lưu ý khi lập hóa đơn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%

09:10 - Thứ Tư, 28/09/2022 Lượt xem: 19424 In bài viết

ĐBP - Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Hóa đơn hợp pháp là hóa đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định pháp luật. Lập hóa đơn điện tử chính là việc mà bên bán bắt buộc phải làm khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua nhưng bằng phương tiện điện tử.

Nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời góp phần kích cầu tiêu dùng, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục tăng trưởng kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô. Ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó có hướng dẫn giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; Để đảm bảo việc lập hoá đơn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức, cá nhân người nộp thuế cần lưu ý các nội dung sau:

Theo Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập hóa đơn như sau: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Việc lập hóa đơn giảm thuế GTGT xuống 8%

Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 41/2022/NĐ-CP ngày 20/6/2022 quy định về việc lập hóa đơn giảm thuế GTGT như sau: Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ: Khi lập hóa đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%”; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn GTGT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT.

Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định này khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định trên. Đối với cơ sở kinh doanh (gồm cả hộ và cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT: Khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.

Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định này khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định trên. Như vậy, theo quy định trước đó tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, việc lập hóa đơn quy định về việc lập hóa đơn được thực hiện: “Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT thì không được giảm thuế GTGT”. Tuy nhiên, theo Nghị định số 41/2022/NĐ-CP sửa đổi thì các cơ sở kinh doanh được ghi chung các hàng hóa, dịch vụ có thuế suất khác nhau nhưng phải ghi rõ thuế suất. số tiền được giảm của các loại hàng hóa, dịch vụ.

Đối với những trường hợp đã lập hóa đơn trước đó thì các tổ chức, cá nhân người nộp thuế cần thực hiện theo Khoản 5, Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP như sau: Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

TTHT
Bình luận

Tin khác

Back To Top