Xã hộiVì trẻ em

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em dịp hè

08:00 - Thứ Ba, 10/05/2022 Lượt xem: 16708 In bài viết

Phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh luôn được ngành giáo dục và các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em, học sinh trước diễn biến phức tạp của tai nạn đuối nước là việc không dễ dàng.

Lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại bể bơi Olympia (Hà Nội). (Ảnh Minh Hà)

Cứ mỗi dịp hè đến, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ em, học sinh lại tăng cao. Hầu hết trẻ em đều thích nước vì đó là môi trường để vui chơi, khám phá nhiều điều mới lạ, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Nỗi lo thường trực

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong thập kỷ vừa qua đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới. Tại Việt Nam, hằng năm đều có nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, thậm chí nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, hoặc do cứu bạn. Các vụ trẻ em đuối nước xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt khi trẻ em chuẩn bị nghỉ hè. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, từ đầu tháng 5/2021 đến ngày 20/9/2021 đã xảy ra 54 vụ, làm 89 trẻ em, học sinh tử vong.

Phần lớn vụ đuối nước là do các em rủ nhau đi bơi, đi tắm, đi chơi gần khu vực có nước và bị trượt chân, vào thời gian nghỉ học ở nhà và không có sự giám sát, quản lý của người lớn... Tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (chiếm 76,6%), tại gia đình (22,4%) và trong trường học (1%). Đuối nước xảy ra nhiều ở các vùng thôn quê, nơi có nhiều ao, hồ, sông suối, mương máng, nơi vắng người qua lại, hoặc ở bãi biển, khu du lịch.

Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em, học sinh là do môi trường sống thiếu an toàn, nhiều ao, hồ, sông, suối; thiên tai, lũ lụt, lũ cuốn, sạt lở, bão, giông...; đồng thời là do cha mẹ, người lớn chủ quan, lơ là trong việc theo dõi, giám sát, quản lý trong thời gian các em được nghỉ học, ở nhà, để các em tự do rủ nhau đi chơi, đi bơi. Đặc điểm tâm sinh lý của các em là ở độ tuổi hiếu động, chủ quan, thích thể hiện bản thân, trong khi còn thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia bơi, lội dẫn đến đuối nước.

Một số học sinh không biết bơi nhưng vẫn tự ý đi tắm, đi bơi hoặc rủ nhau chơi, đùa ở những nơi gần ao hồ, sông suối. Trong khi đó, nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em còn thiếu, nhiều địa phương, nhà trường chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này. Nhiều nơi hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em thực hiện chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác của các ngành, địa phương.

Tổ chức dạy bơi an toàn là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả để phòng tránh đuối nước ở trẻ em, học sinh nhưng hiện còn không ít hạn chế. Do chưa có điều kiện tổ chức dạy bơi cho học sinh, nên hiện nay việc triển khai phòng, chống đuối nước đang được các trường chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Tỷ lệ trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh còn rất thấp do thiếu bể bơi, thiếu thiết bị, điều kiện. Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phòng, chống tai nạn, thương tích đuối nước trong nhà trường chủ yếu là kiêm nhiệm, còn yếu và thiếu về kiến thức, kỹ năng, khó khăn về phương tiện triển khai thực hiện.

Trang bị kỹ năng phòng tránh

Để bảo đảm an toàn, phòng tránh đuối nước, cần khuyến khích trẻ em, học sinh học bơi, học những kỹ năng phòng tránh đuối nước. Thực tiễn quá trình nỗ lực triển khai giai đoạn 2016-2020, ở tỉnh Đồng Tháp cho thấy toàn tỉnh đã mở được 4.936 lớp, dạy cho 124.863 em trong độ tuổi từ 7-15 tuổi biết bơi; tỷ lệ trẻ em chưa biết bơi được phổ cập bơi đạt hơn 80%...

Vì vậy, để hạn chế tai nạn đuối nước, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp cho rằng, các bộ, ngành có liên quan cần tạo điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất để đủ điều kiện tổ chức giảng dạy phổ cập bơi cho các em học sinh trong chương trình tự chọn chính khóa môn thể dục; cần xây dựng chủ trương xã hội hóa các công trình thể dục, thể thao trong trường học nhằm khai thác, sử dụng, quản lý có hiệu quả các sân, bãi tập luyện thể dục, thể thao.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho rằng, ngành giáo dục các địa phương cần phối hợp với sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để tham mưu UBND tỉnh kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi nhằm đào tạo kỹ năng bơi cho trẻ em, học sinh theo hướng xã hội hóa.

Những năm qua, ngành giáo dục đã chủ động nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành hành vi đúng cho học sinh về việc tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống đuối nước bảo đảm an toàn cho bản thân. Các nhà trường, lớp học tổ chức thường xuyên các hoạt động giáo dục, hướng dẫn các em, hướng đến mục tiêu: "Mỗi học sinh đều biết và vận dụng được những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trong cuộc sống để bảo vệ bản thân".

Ngành giáo dục đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu giảm từ 5% đến 10% số học sinh bị tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông; tối thiểu 80% học sinh phổ thông được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, trong đó có từ 60% trở lên học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng và biết vận dụng trong thực tiễn; 90% trở lên giáo viên giáo dục thể chất ở các trường phổ thông được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước và kỹ năng dạy bơi, cứu đuối và sơ cấp cứu ban đầu…; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh.

Trước kỳ nghỉ hè năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho học sinh. Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, các sở giáo dục và đào tạo cần mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè.

Các cơ sở giáo dục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước. Ngành giáo dục các địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục và có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn cũng như các dịch vụ liên quan cho học sinh…

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top