ĐBP - Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc giáo dục kỹ năng sống và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại TP. Điện Biên Phủ luôn được các cấp, ngành quan tâm chú trọng, góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em.
Thống kê của Phòng Dân số (Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ), tính đến 1/6/2022, thành phố có 19.744 trẻ em từ 0 - 14 tuổi, chiếm 23,8% dân số. Thực tế cho thấy, thời gian nghỉ hè hàng năm thường là thời điểm số trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích tăng cao, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm sinh lý, thậm chí dẫn đến tử vong đối với trẻ. Trong đó, tai nạn thương tích gặp phải nhiều thường là ngã, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước… Để hạn chế rủi ro xảy ra, thành phố đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đa dạng hóa dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, gia đình về công tác phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: UBND thành phố đã chỉ đạo 12 xã, phường tăng cường công tác phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích đối với trẻ em trên địa bàn. Trong đó, chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai; tập trung huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo các khu vực có nguy cơ gây đuối nước, tai nạn thương tích đối với trẻ em, nhất là trong mùa mưa lũ và các dịp nghỉ hè, nghỉ lễ. Thực hiện rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng; tổ chức kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước, tai nạn, thương tích cho trẻ em. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, trọng tâm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em đến gia đình, tổ dân phố, bản, trường học và trực tiếp bản thân trẻ. Thực hiện ngay việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra đuối nước, tai nạn, thương tích trẻ em nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em.
Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo thành phố, đến nay, 100% trường học trên địa bàn đều triển khai hiệu quả việc xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh trong các hoạt động giáo dục; tổ chức hoạt động ngoại khóa về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Giao trách nhiệm cho giáo viên thường xuyên quán triệt, nhắc nhở, hướng dẫn học sinh các quy định an toàn từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động can thiệp, cải tạo môi trường học tập, vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong trường học.
Cô giáo Vi Thị Minh Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nà Tấu cho biết: Năm học 2021 - 2022, trường đã triển khai 5 chuyên đề liên quan đến phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ lồng ghép vào chương trình học. Đồng thời, trường thực hiện kế hoạch truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ qua hệ thống bảng tin của trường, tuyên truyền qua nhóm zalo của các lớp và trong các buổi họp phụ huynh nhằm nâng cao trách nhiệm của phụ huynh. Trong thời gian nghỉ hè, trường đã gửi văn bản thông báo và thực hiện bàn giao trẻ về địa phương; cử giáo viên phối hợp cùng với chính quyền, các đoàn thể và gia đình cùng thực hiện đảm bảo an toàn cho trẻ. Đối với các địa bàn có trẻ sinh sống gần sông suối, trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nghiệm thường xuyên đến trực tiếp gia đình thăm hỏi, nhắc nhở gia đình chú ý và quan tâm trẻ.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và cơ quan chức năng, việc nâng cao trách nhiệm phòng, chống tai nạn thương trẻ em được xác định là trách nhiệm chung của cả gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Việc trang bị đầy đủ những kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng mềm về sức khỏe giới tính sẽ giúp cho trẻ em được sống trong môi trường lành mạnh, đảm bảo các điều kiện tốt nhất về cả thể chất và tinh thần.