Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12-6) được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra năm 2002 và được Liên hợp quốc công nhận, nhằm nâng cao nhận thức và hành động để ngăn chặn lao động trẻ em. Hướng tới Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ năm nay, thông điệp “Tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em” tiếp tục được đề cao, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em.
Trẻ em tham gia vẽ tranh tuyên truyền về nội dung phòng, chống lao động trẻ em.
Nhiều kết quả tích cực
Mục tiêu 8.7 của Chương trình nghị sự 2030, vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc nêu rõ: “Phải có các biện pháp tức thì và hiệu quả để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và đến năm 2025, chấm dứt toàn bộ các hình thức lao động trẻ em”. Nằm trong số các quốc gia giữ vai trò tiên phong của Liên minh thực hiện mục tiêu 8.7, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, vì sự phát triển bền vững từ năm 2017, trong đó nêu rõ nhiệm vụ: “Thực hiện kịp thời và hiệu quả các biện pháp để xóa bỏ lao động ép buộc, ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức”.
Trong khuôn khổ của Hội nghị toàn cầu lần thứ năm về xóa bỏ lao động trẻ em tổ chức tại thành phố Durban, Cộng hòa Nam Phi vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, Việt Nam tiếp tục hành động và mong muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là mục tiêu 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em.
Phát huy vai trò tiên phong của Liên minh 8.7, Chính phủ Việt Nam đã giảm thiểu các tác động của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc học tập của trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng núi bằng việc chi ngân sách nhà nước, kết hợp vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp và các nhóm xã hội để mở rộng diện bao phủ sóng internet, hỗ trợ máy tính cho trẻ em nghèo, trẻ em di cư, kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến với trở lại trường học. Nhờ vậy, Việt Nam hiện có tới 94,4% dân số trẻ em được tiếp cận giáo dục. Công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012, xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này có được là nhờ các chính sách tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, được thực hiện song hành với các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Các đại biểu bày tỏ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ lao động trẻ em tại Hội thảo quốc tế về cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em, tổ chức tại Hà Nội, ngày 27-5.
Nỗ lực xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho rằng, một trong những “chìa khóa” quan trọng giải quyết tình trạng lao động trẻ em lúc này chính là giải pháp về “Tăng cường chất lượng giáo dục, tăng cường sự tiếp cận giáo dục của các đối tượng trẻ em, nhất là trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có nguy cơ trở thành lao động trẻ em”.
“Hãy chung tay trong việc xóa bỏ lao động trẻ em, đặt trẻ em vào trọng tâm của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như các kế hoạch phục hồi hậu dịch Covid-19. Chúng tôi mong tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông, giúp các em nhỏ phát huy hết tiềm năng để sau này có việc làm bền vững, góp phần xóa bỏ gốc rễ lao động trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tình trạng trẻ em lao động nặng nhọc, nguy hiểm ở một số lĩnh vực kinh tế vẫn tồn tại. Bàn về giải pháp giải quyết tình trạng này, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh cho rằng: “Rất cần có sự liên kết và hợp tác, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, nhằm thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác. Ngoài ra, chúng ta cần đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế để cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp”.
Còn theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam, các chương trình và chính sách xóa đói, giảm nghèo, các cơ hội học nghề cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em tại các vùng nông thôn cần được ưu tiên. Cùng với đó, tăng cường đầu tư vào hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển an sinh xã hội…