ĐBP - Trẻ em được thỏa thích chạy nhảy, vui chơi với những thiết bị, đồ chơi an toàn, bổ ích là mong muốn của mọi bậc phụ huynh. Nhưng với khó khăn của một tỉnh miền núi, Điện Biên vẫn thiếu sân chơi cho trẻ em. Những năm qua, đoàn thanh niên các cấp đã dành nhiều sự quan tâm, huy động đầu tư, cố gắng tạo thêm nhiều sân chơi cho trẻ em từ thành phố đến vùng cao.
Từ năm 2017 đến nay, Đoàn các cấp đã thực hiện và phối hợp thực hiện, đưa vào sử dụng 161 sân chơi cho thanh thiếu nhi trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, có thêm 5 sân chơi được hoàn thành, bàn giao tại các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ; và 1 sân chơi đang được triển khai tại Điện Biên Đông. Anh Lò Xuân Hạnh, Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh đoàn) cho biết: Tùy vào sự huy động được của đoàn các cấp, các công trình khu điểm vui chơi cho thiếu nhi có tổng kinh phí đầu tư khác nhau. Tuy nhiên để sân chơi được công nhận phải đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về an toàn, có tối thiểu từ 5 hạng mục, thiết bị vui chơi cho trẻ. Các sân chơi hiện có trên địa bàn tỉnh thường gồm cầu trượt, bập bênh, thú nhún, xích đu, cầu lắc, xà đơn xà kép... Nhiều điểm vui chơi, đoàn viên thanh niên còn bỏ công sức, kinh phí láng nền xi măng để các em nhỏ vui chơi an toàn, sạch đẹp.
Nửa đầu năm 2022, Thành đoàn Điện Biên Phủ đã bàn giao, đưa vào sử dụng 3 sân chơi cho thanh thiếu nhi tại 2 xã Nà Tấu và Nà Nhạn. Mỗi điểm có trị giá từ 15 - 20 triệu đồng, đặt tại các bản tập trung đông dân cư. Anh Quàng Văn Thiêm, Phó Bí thư đoàn xã Nà Nhạn cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 2 khu vui chơi cho trẻ em vừa được bàn giao tại bản Nà Ngám và Nà Nhạn. Điểm vui chơi được đặt tại sân nhà văn hóa bản, tập trung đông dân cư, có nhiều học sinh, trẻ em. Nhà văn hóa hoạt động hiệu quả, thường xuyên tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Từ khi có các điểm này, các cháu rất thích, hàng ngày đều tập trung về đây chơi đông vui. Đây là 2 bản đầu tiên của xã có điểm vui chơi, trước đây, mùa hè các cháu nhỏ thường chạy nhảy, vui chơi gần sông suối, rất nguy hiểm. Dịp hè này có nơi vui chơi sẽ giúp ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn thương tích đáng tiếc cho trẻ. Xã còn 12 bản nữa đều mong muốn sớm được đầu tư điểm vui chơi an toàn cho trẻ”.
Không chỉ tranh thủ các nguồn đầu tư hoặc tự nguyện đóng góp và huy động tổ chức, cá nhân, các tổ chức đoàn còn linh hoạt nhiều hình thức để làm ra nhiều đồ dùng, khu vui chơi an toàn, lý thú cho trẻ em. Như “Hành trình thứ 2 của lốp xe” do Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh triển khai. Từ những chiếc lốp xe cũ kỹ, qua đôi bàn tay khéo léo và những ý tưởng đầy sáng tạo của đoàn viên thanh niên đã thành xích đu, bồn hoa, bập bênh, hay bàn đọc sách cho trẻ em vùng khó. Để thêm phần sinh động, đẹp mắt, với sức sáng tạo đa dạng và phong phú, các đoàn viên thanh niên này còn sơn đủ sắc màu và vẽ nhiều hình thù ngộ nghĩnh. Để có được một sân chơi hoàn thiện cho mỗi điểm trường, cùng với việc kêu gọi ủng hộ, thu gom lốp xe cũ, thì phải chi phí thêm từ 15 - 20 triệu đồng mua các vật dụng, phụ kiện khác. Tất cả đều được các đoàn viên thanh niên chung tay quyên góp hoặc kêu gọi từ nguồn xã hội hóa.
Ngoài những sân chơi được đầu tư như trên, còn có những điểm vui chơi đơn giản, chưa có nhiều thiết bị, nhưng thu hút trẻ em đến sinh hoạt, vui chơi an toàn, đặc biệt là trong dịp hè. Như Huyện đoàn Mường Ảng, từ năm 2018 đến nay đã thực hiện 12 điểm vui chơi cho trẻ tại nhà văn hóa tổ dân phố, bản, cùng 2 sân bóng đá (san mặt bằng, lắp khung thành, lưới, tài trợ bóng và đèn thắp sáng) tại khu vực vùng cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 121.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng. Là địa bàn miền núi, phần lớn trẻ em sinh sống ở các bản vùng cao, còn nhiều khó khăn. Hè về, các em nghỉ học, sinh hoạt tại thôn bản thì sân chơi tại các khu dân cư càng cần thiết, góp phần bảo đảm an toàn và tạo nên mùa hè ý nghĩa, bổ ích cho các em.