ĐBP - Sáng nay (9/6), Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức Tọa đàm phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.
Tại buổi tọa đàm, đại biểu nghe báo cáo tình hình bạo lực trẻ em, thực trạng và giải pháp. Theo thống kê của Cục Trẻ em, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực; 24.000 phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 1 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái… Tại tỉnh Điện Biên, hiện có khoảng 215.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là hơn 7.730 trẻ. Số trẻ mồ côi cả cha, mẹ hơn 1.250 trẻ; 258 trẻ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Làng trẻ em SOS; số trẻ khuyết tật hơn 4.760 trẻ; có hơn 71.910 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt… Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, tại nạn thương tích, đuối nước. Để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 15/3/2021 về chương trình hành động vì trẻ em tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em…
Tham luận của các đơn vị tại buổi tọa đàm đã tập trung làm rõ hơn kết quả công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn thời gian qua, như: Việc triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; hoạt động của viện kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; thực trạng xâm hại trẻ em qua công tác xét xử của tòa án trên địa bàn tỉnh; công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực trẻ em tại gia đình.
Thông qua buổi tọa đàm đã góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.