Xã hộiVì trẻ em

Chăm sóc trẻ em vùng cao Na Tông

08:58 - Thứ Sáu, 08/09/2023 Lượt xem: 15692 In bài viết

ĐBP - Na Tông là xã vùng cao khó khăn của huyện Ðiện Biên với 11 bản, bản xa nhất cách trung tâm 45km. Các khu dân cư xa xôi, cách trở với 100% đồng bào dân tộc Mông, hầu hết là hộ nghèo, nhiều tập tục lạc hậu. Vì thế việc chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế. Ðể nâng cao nhận thức người dân và chăm sóc trẻ em ngày càng tốt hơn, đội ngũ cán bộ y tế xã phải vượt khó, bám bản.

Cán bộ y tế xã Na Tông tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe trẻ em cho nhóm hộ bản Gia Phú.

Cuối tháng 8, cán bộ Trạm Y tế xã Na Tông lại lên đường đến các bản xa như: Sơn Tống, Gia Phú A, B, Huổi Chanh để thực hiện lồng ghép nhiều công tác y tế. Cùng trên chặng đường men theo đồi, mùa này đường chưa khô ráo, còn những đoạn lầy lội, sạt lở, các cán bộ y tế đi xe máy 1,5 giờ đồng hồ đến Huổi Chanh, 2 giờ đến Sơn Tống, 3 giờ đến Gia Phú A, B. Mọi người dần tách nhóm/cá nhân phụ trách từng bản, thường thì ngủ đêm lại bản. Người xách bình tiêm chủng, người đeo túi thuốc cùng tài liệu tuyên truyền... Ban ngày các cán bộ y tế đi từng nhà, tối tổ chức họp bản hay nhóm hộ lồng ghép nhiều hoạt động: Tiêm chủng vắc xin cho trẻ em; thăm khám, tư vấn và tiêm vắc xin ngừa uốn ván cho phụ nữ mang thai; hướng dẫn chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe trẻ em nói riêng, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em...

Hiện toàn xã Na Tông có 550 trẻ từ 0 - 5 tuổi, đây là lứa tuổi cần sự quan tâm, chăm sóc hơn cả của gia đình. Tuy nhiên do bận mưu sinh và còn những tập tục lạc hậu, nhiều người dân, đặc biệt ở vùng cao chưa có sự chăm lo đúng mức cho con cháu. Bà Lò Thị Liên, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ: “Các cán bộ y tế phải đi từng nhà tìm hiểu, tuyên truyền, nhất là các gia đình có trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng và phụ nữ mang thai. Không thể ngồi một điểm chờ phụ huynh đưa con em đến tiêm vì nhiều phụ huynh bận đi làm nương, một số bà mẹ thì phải chờ chồng về quyết định hoặc có trường hợp chưa muốn cho con tiêm... Ðến từng nhà vừa tìm hiểu rõ tình hình, giải quyết nhanh, lại giúp Trạm nắm rõ được các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, dân số tại địa bàn”. Bằng cách làm đó, hầu hết trẻ em Na Tông được tiêm chủng đầy đủ đúng độ tuổi, đúng liều.

Ở nhiều bản vùng cao, bố mẹ bận đi làm nương, có khi cả tuần mới về. Con nhỏ thiếu sự quan tâm hoặc được gửi cho ông bà chăm sóc, mặc phong phanh vào mùa lạnh, vệ sinh cá nhân không đúng cách nên dễ bị ốm, mắc các bệnh về hô hấp. Vì thế mỗi chuyến đi, cán bộ y tế xã Na Tông đều mang các dụng cụ y tế và thuốc cơ bản để thăm khám cho các trường hợp mà mình gặp, Bà Liên cho biết thêm: “Ði bản là các cán bộ phải mang đủ đồ nghề, như que đè lưỡi dùng 1 lần, ống nghe, đo huyết áp... Gặp trẻ có vấn đề về sức khỏe, ho, sốt thì khám và tư vấn gia đình chăm sóc, điều trị. Nhất là vào mùa đông, nhiều trẻ sổ mũi, ho nặng, sốt cao vẫn tự chơi, nghịch ngoài trời, gia đình không để ý. Vì thế ngoài khám, kê thuốc, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự quan tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em cho không chỉ các bà mẹ, mà phải chú trọng hướng đến cả các ông bố và bà nội, bà ngoại”. Hành trang mỗi chuyến đi của cán bộ y tế xã còn có thêm túi quần áo còn lành, mới cho trẻ em.

Vì địa bàn cách xa trung tâm, đi lại cách trở nên các bản vùng cao còn tình trạng sinh con tại nhà. Trẻ sơ sinh không được chăm sóc khoa học. Trực tiếp phụ trách công tác này, chị Tòng Thị Thích, hộ sinh cao đẳng, cán bộ Trạm Y tế xã Na Tông kể lại: “Nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa biết cách chăm sóc con. Năm vừa rồi có trường hợp trẻ 14 ngày tuổi (đẻ tại nhà) bản Sơn Tống ốm sốt, bỏ bú nhưng bố mẹ không đưa con ra cơ sở y tế thăm khám mà để ở nhà cúng ma. Cán bộ y tế bản gọi điện báo cho Trạm, chúng tôi vào trò chuyện, vận động gia đình và hỗ trợ tiền xe đưa cháu bé ra Trung tâm Y tế huyện. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi, sau thời gian điều trị thì đã khỏe mạnh, ra viện về nhà”. 

Cũng tại bản Sơn Tống, đầu năm có thai phụ dự định đẻ con tại nhà, nhưng sau khi đau 1 ngày 1 đêm không sinh được thì gọi điện cho Trạm Y tế. Cán bộ hộ sinh Tòng Thị Thích lên tận nơi, nhưng sau khi kiểm tra, xác định thai phụ khó sinh cần đến cơ sở y tế tuyến huyện can thiệp. Chị Thích thông báo lãnh đạo Trạm, liên hệ Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên xin ý kiến. Ban Giám đốc đã điều xe đến đón bệnh nhân. Cùng lúc đó, người nhà cáng thai phụ với sự trợ giúp y tế của chị Thích từ bản ra đường lớn để nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Nhờ đó thai phụ đã sinh thành công, cả mẹ và trẻ đều khỏe mạnh.

Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ trên địa bàn xã Na Tông dù còn nhiều khó khăn, tồn tại. Nhưng qua các hoạt động sâu sát từ cán bộ y tế xã, nhận thức của người dân đang dần thay đổi, nâng lên mỗi ngày, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn là 8,6%o.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top