ĐBP - Những mảnh đời cơ nhỡ, những hoàn cảnh éo le của nhiều trẻ em bất hạnh đang được che chở, nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp. Với tình thương, trách nhiệm và sự sẻ chia, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp đã mang đến cho các em nhỏ mồ côi, bị bỏ rơi một “mái ấm” hạnh phúc.
Những mảnh đời “vỡ”
Một chiều cuối tuần, khung cảnh bình yên, tĩnh lặng bao trùm tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp. Dạo quanh các khu nhà, chúng tôi dừng chân tại phòng sinh hoạt chung. Trong phòng có hơn 20 trẻ đang xem tivi. Hướng ánh mắt khắp căn phòng, một em bé nhỏ nhắn thu hút sự chú ý của chúng tôi.
Cô bé Thào Thị Bông đang học lớp 1 nhưng cơ thể chỉ như một đứa trẻ 3 tuổi. Mái tóc lơ thơ hoe vàng, nặng vỏn vẹn 9kg. Ngồi sát bên cạnh, chị gái Thào Thị Sênh (sinh năm 2012) nhanh tay buộc những lọn tóc mỏng manh cho em gái. Chị em Sênh - Bông là đối tượng trẻ em cần bảo vệ khẩn cấp. Sinh ra trong gia đình nghèo tại xã Phì Nhừ, huyện Ðiện Biên Ðông, bố mẹ nghiện ma túy không thường xuyên có mặt ở nhà. Không có người chăm sóc, nguồn nuôi dưỡng từ gia đình, 2 cháu chỉ biết dìu dắt nhau đi lang thang xin đồ ăn, thức uống. Trước nguy cơ đe doạ đến sự an toàn tính mạng của trẻ, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp đã tiếp nhận chị em Sênh - Bông vào nuôi dưỡng khẩn cấp từ giữa tháng 6/2023.
Nhớ ngày đón chị em Sênh - Bông, cô Trần Thị Hà, cán bộ Phòng Quản lý đối tượng cho biết: Khi đón Bông, chúng tôi không khỏi xót xa dù đã nghe qua trước các thông tin về cháu. Cơ thể suy dinh dưỡng, làn da khô nứt đầy mụn khiến chúng tôi nhòa nước mắt. Chúng tôi đưa Bông đến Bệnh viện Ða khoa tỉnh khám tổng quát. Cùng với chế độ chăm sóc đặc biệt, bổ sung dinh dưỡng riêng, sau gần 5 tháng sinh sống tại đây, sức khỏe cháu đã có chuyển biến tích cực, nhanh nhẹn và hoạt bát hơn nhiều.
Cũng mang tên Bông, một trường hợp đáng thương khác được các cán bộ Cơ sở nhắc tới. Ðó là trường hợp bé Hạ A Bông (sinh năm 2021), cũng tại xã Phì Nhừ. Hạ A Bông được các cô yêu thương gọi với cái tên Bông “trai”. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Bông “trai” vào cơ sở khi mới 14 tháng tuổi, được các cán bộ thay phiên chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi khi Bông “trai” ốm, hay khóc đòi mẹ, các cô lại ôm bế đưa về phòng trực chăm sóc. Dưới bàn tay yêu thương của các cán bộ, sau 1 năm về cơ sở, Bông “trai” từng ngày lớn lên khỏe mạnh. Ðể rồi, bất cứ ai từng gặp cậu bé đều đọng lại trong ấn tượng là đôi mắt lúc nào cũng long lanh như hai giọt nước.
Ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp này, bao nhiêu mảnh đời là bấy nhiêu số phận bất hạnh. Mỗi trường hợp là một câu chuyện buồn, nhưng chung lại là sự thiếu vắng của tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ, những thiệt thòi, mất mát khó gì có thể bù đắp được.
Gieo mầm yêu thương
Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp là đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trải qua hơn 30 năm hoạt động, hàng trăm đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa đã đến, lớn lên và trưởng thành ở đây.
Bà Vũ Thị Huệ, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp cho biết: Khi đến cơ sở, mỗi em nhỏ đều có một cảnh đời khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là cần nơi nương tựa, sự quan tâm, chăm sóc. Hiện cơ sở đang quản lý, chăm sóc 79 trẻ, với trên 90% là dân tộc thiểu số. Trong đó, cháu nhỏ nhất mới được hơn 1 tuổi, cháu lớn nhất thì đang học chuyên nghiệp. Những đứa trẻ được nuôi dạy và đi học từ lớp 1 đến lớp 12. Cháu nào thi đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp thì được tiếp tục nuôi dưỡng cho đến khi tốt nghiệp. Tại đây, các cháu sinh hoạt và học tập như một gia đình. Những đứa trẻ yêu thương, đối xử với nhau như anh chị em ruột thịt, giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt. Nỗi bất hạnh tuổi thơ như một động lực để các cháu biết nghĩ cho nhau, yêu thương nhau cùng tìm cảm giác ấm áp, bình yên dưới mái nhà chung.
Hàng ngày, sau những giờ đi học tại trường, lớp, những đứa trẻ lại cùng vui chơi, luyện tập thể dục thể thao, cùng nhau lao động, dọn dẹp vệ sinh. Những khuôn mặt ngây thơ, trong sáng luôn hé mở nụ cười tươi vui, rạng rỡ. Tại khu vực phòng ở, mỗi phòng có khoảng 7 - 10 em. Em lớn phụ trách tắm gội cho các em nhỏ, phân công công việc phù hợp với độ tuổi. Các em nhỏ hơn thì quét dọn phòng, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp. Cùng với không gian sinh hoạt chung, tại đây còn có những hình thức giải trí phong phú cho các em, như sinh hoạt văn nghệ, tổ chức trò chơi dân gian, các hoạt động vui chơi nhân ngày lễ, tết.
Ðể các em nhỏ được quan tâm, chăm lo tốt nhất, đội ngũ cán bộ tại Cơ sở luôn sát sao, nắm bắt tình hình sức khoẻ hay những tâm tư của từng trẻ. Từ đó, kịp thời an ủi, động viên và điều chỉnh phương pháp, kỹ năng chăm sóc trẻ. Công tác dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sống đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ được quan tâm chú trọng. Các khẩu phần ăn hàng ngày thường xuyên được thay đổi, đảm bảo dinh dưỡng thiết yếu. Ðối với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được chăm sóc theo chế độ riêng.
Chia tay chúng tôi, bà Huệ xúc động chia sẻ: Dù gặp không ít khó khăn nhưng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp đã có biết bao câu chuyện đẹp về tình người và sự yêu thương. Bằng tình thương, trách nhiệm, Cơ sở đã thực sự trở thành gia đình của những mảnh đời bất hạnh và là mái ấm thắp lên hi vọng vào tương lai tốt đẹp cho các em.