Xã hộiVì trẻ em

Nâng cao quyền năng trẻ em

23:29 - Chủ Nhật, 10/11/2024 Lượt xem: 764 In bài viết

Tại nhiều trường học vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, đang có Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” - là mô hình, diễn đàn mới để trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn do chính các em tự tìm hiểu, xây dựng chương trình, những câu lạc bộ này đã mang đến một “làn gió mới” trong việc thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến về giới tính.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một trong những mô hình triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mô hình đầu tiên ra đời vào cuối tháng 11-2023 tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Bình An (Lâm Bình) với 18 thành viên là cán bộ, giáo viên và học sinh khối 6, 7, 8. Lần lượt sau đó, các mô hình điểm tiếp tục được nhân rộng tại trường THCS Năng Khả (Na Hang); trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tri Phú (Chiêm Hóa); trường THCS Việt Thành (Hàm Yên); trường THCS Đạo Viện (Yên Sơn); trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương (Sơn Dương).

Một giờ sinh hoạt của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Yên Lập (Chiêm Hóa).

“Con gái học nhiều để làm gì?”, “Học ít thôi ở nhà lấy chồng sớm”, “Lấy chồng thì phải theo chồng, nghe chồng”, “Phụ nữ không cần phải đi làm”, “Mẹ đẻ em trai thì ra rìa”… những câu nói nửa đùa, nửa thật mà mỗi em học sinh nữ có thể đã từng được nghe đều thể hiện rất rõ những quan niệm sai lệch về bình đẳng giới. Từ những quan niệm sai lầm, kéo theo đó là nhiều hệ lụy khác như bạo lực trẻ em, bạo lực gia đình, xâm hại, tảo hôn, kết hôn cận huyết…

Cô giáo Phùng Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Bình An (Lâm Bình) cho biết: Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là mô hình thiết thực đối với các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh nữ. Thông qua mô hình, các em được bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình về giới tính. Đồng thời cũng được trang bị những kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, thậm chí trực tiếp tham gia tuyên truyền, phòng ngừa và ứng phó các vấn đề liên quan đến trẻ em, phụ nữ.

Tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Thông qua các hoạt động sinh hoạt phong phú như thảo luận nhóm, tọa đàm, chơi trò chơi, tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa, vẽ tranh… các em học sinh đã làm rõ vai trò của người phụ nữ xưa và nay, khẳng định giá trị của người phụ nữ, phụ nữ có quyền bình đẳng và hạnh phúc. Cô giáo Đàm Thị Ngoạt, Tổng Phụ trách đội Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trung Minh (Yên Sơn) chia sẻ, câu lạc bộ vừa là sân chơi bổ ích, vừa là nơi để các em chia sẻ thông tin, kiến thức về tâm lý, giới tính. Các thầy cô thông qua đó cũng có thể nắm bắt tâm lý, nhanh chóng phát hiện ra những bất thường, những vấn đề trong học tập, cuộc sống từ đó đồng hành cùng các em.

Em Tô Thị Phương Thảo, học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Chiêm Hóa (Chiêm Hóa) cho biết, tham gia các hoạt động giao lưu, chúng em còn được bổ sung thêm kiến thức về quyền trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, vấn đề bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng… Qua đó, chúng em cũng tự tin hơn trong các hoạt động chung. Điều khiến em đặc biệt ấn tượng khi sinh hoạt trong câu lạc bộ đó là được tìm hiểu, khám phá về những người phụ nữ tài năng, có nhiều thành tích, dấu ấn để chúng em học hỏi và noi theo.

Xã hội ngày một phát triển và những quan niệm cũ về giới tính dần dần sẽ bị xóa bỏ. Bằng những hình thức thiết thực đồng hành với học sinh vùng cao, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với những hạt nhân tiên phong là chính các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ góp phần thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới từ đó thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu để cùng phát triển.  

Bài, ảnh: Thùy Lê
Bình luận

Tin khác

Back To Top