Tảo hôn: Vòng luẩn quẩn của đói nghèo, thất học

09:02 - Thứ Năm, 02/07/2020 Lượt xem: 8073 In bài viết

ĐBP - Tảo hôn - kết hôn trước tuổi gây ra nhiều hệ lụy cho cả gia đình và xã hội. Tuy nhiên hiện nay, ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tình trạng tảo hôn có xu hướng gia tăng. Kết hôn sớm, đông con, đói nghèo, thất học, bệnh tật… như một vòng luẩn quẩn kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Ðang học lớp 8 nhưng cô bé Poòng Thị L. bỏ học ở nhà lấy chồng, sinh con. Cuộc sống khó khăn chồng chất khi con đau ốm thường xuyên, hai vợ chồng không có việc làm.

Từ Trạm Y tế xã Chà Cang, theo giới thiệu của anh Lò Văn Tướng, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã, chúng tôi tìm đến nhà em Poòng Thị L. (bản Nà Khuyết, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ). Nhà L. nằm ở cuối bản, cheo leo giữa lưng đồi, để đến, chúng tôi phải mất gần 30 phút đi bộ vì đêm hôm trước trời mưa không đi xe máy được. Tiếp chúng tôi là người mẹ vị thành niên Poòng Thị L. với vóc dáng nhỏ thó, gầy guộc; bế trên tay bé trai 13 tháng tuổi vàng vọt, xanh xao, hễ nhìn thấy người lạ là khóc. Trong căn nhà sàn ba gian xiêu vẹo, tuềnh toàng chẳng có gì đáng giá ngoài mấy bộ chăn, đệm thổ cẩm. Những tia nắng từ kẽ vách, lỗ thủng trên mái nhà rọi xuống sàn lỗ chỗ như tổ ong. L. ngượng ngùng tâm sự: Em lấy chồng năm 2019, khi ấy mới 14 tuổi (học lớp 8), chồng em khi ấy cũng đang học lớp 12. Sau khi lấy nhau cả hai cùng bỏ học, về ở với gia đình bên ngoại, không tổ chức cưới xin gì vì gia đình hai bên quá khó khăn, với lại chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Chúng em dự định sau này đủ tuổi hai vợ chồng sẽ ra xã làm Giấy đăng ký kết hôn sau. Không may là, con trai em bị tật bẩm sinh khiến mắt trái không nhìn được. Chúng em cũng không biết, liệu có phải do em sinh đẻ khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện hay không; vì gia đình hai bên không ai bị dị tật bẩm sinh.

Nói về hoàn cảnh éo le của gia đình, chị Lèng Thị Y. (mẹ em Poòng Thị L.) trải lòng: Ðúng là “con dại cái mang”, hoàn cảnh gia đình đã khó khăn đến mức phải chạy ăn từng bữa, cố lo cho các con ăn học để bằng bạn bằng bè. Ấy vậy mà nó không chịu học, để bây giờ…! Lấy nhau về hai đứa không công ăn việc làm, không có thu nhập; con sinh ra thì ốm đau, bệnh tật; tiền sinh hoạt, thuốc men cũng phải một tay ông bà lo. Hồi còn đi học thì trắng trẻo, xinh gái, có da có thịt; từ khi lấy chồng, sinh con, người gầy gò xanh xao, ốm đau suốt, cả ngày chẳng nói, chẳng cười cứ lầm lũi ra vào bế con. Giờ khó lại càng thêm khó, cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông vào mấy trăm mét ruộng, năm nào không mất mùa thì được 30 bao thóc. Ðến tài sản duy nhất của gia đình là con trâu cũng phải bán để dồn tiền sửa ngôi nhà vì mỗi khi trời mưa thì trong nhà cũng như ngoài sân. Vậy mà đã đủ tiền đâu!

Hay trường hợp em Giàng Thị P., bản Ngải Thầu 2, xã Nà Bủng, sinh năm 2004, bỏ học lấy chồng từ năm 13 tuổi. Ðến nay 16 tuổi nhưng đã có 2 con (con đầu 2 tuổi, con thứ được 5 tháng tuổi). Tình trạng tảo hôn diễn ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông, Thái tại các xã khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nơi mà trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, những năm gần đây tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng. Năm 2018, có 238 trường hợp tảo hôn (chiếm 42,3%); năm 2019, có 367 trường hợp tảo hôn (chiếm 47,5%). Riêng trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có 110 trường hợp tảo hôn. Tập trung nhiều ở các xã: Nà Bủng, Na Cô Sa, Nà Khoa, Pa Tần, Phìn Hồ…

Thực tế cho thấy, không ít cặp vợ chồng “ăn chưa no, lo chưa tới” đã phải gồng gánh trên vai 2 - 3 đứa con. Trong tình cảnh ấy, khó mà thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo, thất học. Tảo hôn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em; nguy cơ tử vong cao ở các bà mẹ mang thai sớm. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn đều sống chung với cha mẹ; thiếu kiến thức xã hội, khả năng kiếm sống, đóng góp về kinh tế cho gia đình, xã hội rất thấp. Nghèo túng cũng dễ dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em; là gánh nặng cho xã hội. Năm 2019, trên địa bàn huyện Nậm Pồ có 44 vụ án hôn nhân và gia đình (tăng 6 vụ so với năm 2018), xét xử không công nhận quan hệ vợ chồng 7 vụ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, nhưng chủ yếu là do phong tục, tập quán thói quen lấy vợ, lấy chồng sớm đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức qua nhiều thế hệ của đồng bào dân tộc nơi đây; lấy vợ để có người làm. Phần vì do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế…

Rời Nà Khuyết nhưng trong tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh đôi mắt buồn rười rượi của “bà mẹ vị thành niên” Poòng Thị L.. Còn biết bao vất vả khó nhọc phía trước đang chờ người mẹ trẻ con này; rồi mai đây cuộc sống của gia đình L. sẽ ra sao…? Những đứa trẻ lớn lên liệu có được đầy đủ tình thương của cha mẹ, được học hành đến nơi đến chốn? Hay lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn của tảo hôn, thất học và đói nghèo…?

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top