Thưởng tết cho người lao động: Doanh nghiệp dù gặp khó vẫn cố gắng duy trì

14:38 - Thứ Sáu, 07/01/2022 Lượt xem: 2693 In bài viết

Dù không phải là quy định bắt buộc, nhưng năm nào cũng vậy, trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp cố gắng dành nguồn lực để thưởng cho người lao động, còn người lao động mong ngóng được lĩnh thưởng. Năm 2021, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng đa số vẫn cố gắng xoay xở để duy trì chế độ thưởng vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho người lao động. 

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đa số người lao động chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19.

Cùng chia sẻ khó khăn

Phần thưởng, tiền thưởng vào dịp Tết là khoản lợi nhuận trong năm được các đơn vị, doanh nghiệp trích ra để thưởng cho người lao động. Điều này không quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động, nhưng đó là nét đẹp văn hóa trong quan hệ lao động, nên được đại đa số đơn vị, doanh nghiệp ở nước ta thực hiện hằng năm. Phần thưởng có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong năm. Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trong thời gian dài, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người lao động, nên đa số họ mong chờ thưởng tết.

Chị Bùi Thị Hồng (quê ở xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), hiện đang là công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) cho hay: “Những năm gần đây, năm nào chúng tôi cũng được thưởng tết tương ứng với một tháng tiền lương (khoảng 7-8 triệu đồng/người) kèm theo suất quà. Năm nay, dẫu biết doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn mong nhận được khoản tiền thưởng, dù nhỏ, để có thêm nguồn trang trải cho gia đình”. Còn anh Trần Văn Tuấn, người lao động Công ty Italia Production (Cụm công nghiệp Bích Hòa, huyện Thanh Oai) bày tỏ: “Công ty chưa thông báo thưởng tết, song chúng tôi hy vọng nhận được mức thưởng bằng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cá nhân tôi được 9 triệu đồng”. 

Tâm lý chung của người lao động là mong ngóng thưởng tết, nhưng trên thực tế, không ít người lao động sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vì ở thời điểm hiện nay, điều người lao động cần nhất là có việc làm, thu nhập đều đặn hằng tháng. Chị Nguyễn Hồng Nhung (ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Tôi trở lại thị trường lao động vào tháng 10-2021, sau hơn 1 năm mất việc làm do Covid-19. Trải qua thời gian mất việc giúp tôi nhận ra, khoản tiền lương hằng tháng mới là nguồn thu bền vững, còn khoản thưởng tết có thì tốt, không có thì cùng nhau chia sẻ để vượt qua”. 

Về phía người sử dụng lao động, dù gặp khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng dành nguồn lực để chăm lo Tết cho người lao động. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH May xuất khẩu DHA Nguyễn Văn Đô nói: “Để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, năm nay, chúng tôi cố gắng thưởng tết cho cán bộ, công nhân bằng 1 tháng lương, trung bình khoảng 10 triệu đồng/cán bộ; 8 triệu đồng/công nhân”. Tương tự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam Ngô Ngọc Vinh thông tin, doanh nghiệp này dự kiến chi 35 tỷ đồng để chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho người lao động, thay cho lời động viên người lao động yên tâm gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trao đổi về vấn đề thưởng tết, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng nhận định: “Dịp cuối năm nay, các vụ việc tranh chấp về tiền lương, tiền thưởng ít xảy ra. Điều đó phần nào cho thấy, người lao động chia sẻ, đồng lòng với khó khăn của doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19”. 

Thiết thực chăm lo đời sống người lao động

Nỗ lực chăm lo đời sống cho người lao động, đến thời điểm này, nhiều doanh trên địa bàn Hà Nội đã công bố mức thưởng Tết Nhâm Dần cho người lao động. Theo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bình quân là 3,2 triệu đồng/người; tại các công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước là 3,4 triệu đồng/người. Còn mức thưởng bình quân tại các doanh nghiệp dân doanh là 3,7 triệu đồng/người; tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mức thưởng Tết bình quân cho người lao động là 4,2 triệu đồng/người. Đặc biệt, mức thưởng tết cao nhất năm nay lên tới 400 triệu đồng/người dành cho người lao động thuộc khối doanh nghiệp dân doanh.

Ngoài thành phố Hà Nội, doanh nghiệp tại 62 tỉnh, thành phố khác cũng có khoản thưởng tết cho người lao động. Theo thông tin đã công bố, hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh có mức thưởng Tết Nguyên đán trung bình là hơn 8 triệu đồng/người. Người nhận mức thưởng cao nhất là gần 1,3 tỷ đồng tại một doanh nghiệp FDI. Tại thành phố Đà Nẵng, mức thưởng Tết cao nhất là hơn 1,4 tỷ đồng...

Để mọi người lao động đều có tết, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, từ cuối năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, người sử dụng lao động chăm lo Tết chu đáo cho công nhân, viên chức, lao động. Theo đó, Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho đoàn viên. Tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội dự kiến triển khai chương trình “Tết sum vầy” năm 2022 vào ngày 22-1 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô với sự tham gia của đoàn viên, người lao động. Cùng với đó, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết; trao biển hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn”; thăm hỏi và trao 10.000 suất quà, trị giá 1 triệu đồng/suất cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.... Tổng kinh phí các cấp Công đoàn Thủ đô dự kiến hỗ trợ đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần khoảng 200 tỷ đồng.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ trung ương đến cơ sở cũng phối hợp với các cấp công đoàn nắm bắt tình hình đời sống công nhân, có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết, vui xuân trong bầu không khí ấm áp sự quan tâm, chia sẻ. 

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top