Chủ động bảo vệ mình trước tai nạn lao động

08:26 - Thứ Hai, 10/01/2022 Lượt xem: 3158 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua công tác tuyên truyền, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đẩy mạnh nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, song tình trạng vi phạm, tai nạn lao động vẫn xảy ra. Bên cạnh nguyên nhân một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động còn xem nhẹ công tác này thì nhiều người lao động vẫn còn chủ quan đối với việc phòng ngừa tai nạn lao động.

Công nhân Tập đoàn Phúc Hưng sử dụng đồ bảo hộ lao động thi công công trình Khoa Tiền lâm sàng Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên.

Các cơ quan đơn vị liên quan, người sử dụng lao động đã chú trọng công tác tuyên truyền Luật ATVSLĐ 2015; phổ biến kiến thức và kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động; xóa bỏ thói quen mất vệ sinh, gây hại, nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và cộng đồng trong quá trình lao động. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Luật ATVSLĐ tại các công trường; tổ chức huấn luyện, ký cam kết an toàn lao động với các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ vậy, công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động được tăng cường; nhận thức của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của người lao động được nâng lên; tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được kéo giảm. Cùng với đó, điều kiện làm việc được cải thiện; chế độ chính sách, chăm sóc sức khỏe cho người lao động được quan tâm…

Tuy nhiên, ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế (cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động); tai nạn lao động thường xảy ra ở một số ngành nghề liên quan đến xây dựng công trình, vận hành máy móc, trang thiết bị… Điển hình là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra 5/3/2021 tại mỏ chì thuộc bản Huổi Tao A, xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) khiến 1 người tử vong. Nạn nhân là anh L.V.Đ (SN 1998, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lai Châu) trong quá trình làm việc tại mỏ không may bị đá quặng rơi vào đầu gây chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn lao động chủ yếu là do không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn; không có hoặc huấn luyện thiếu về ATVSLĐ; không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; vi phạm quy trình, quy chuẩn ATVSLĐ... Một số chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của doanh nghiệp và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ nên không quan tâm đầu tư cho việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện không đầy đủ; không xây dựng nội quy, quy trình an toàn lao động; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động; không chủ động thực hiện khám sức khỏe cho người lao động theo quy định.

Bên cạnh đó, không ít người lao động cũng chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm của mình về an toàn lao động. Mặc dù được nhắc nhở, cảnh báo nhưng chưa chú trọng phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hơn nữa, lực lượng lao động phổ thông trên thị trường hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo, đặc biệt đối với xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ. Lực lượng lao động này chủ yếu ở nông thôn tranh thủ khi nông nhàn đi làm thời vụ…

Để ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bên cạnh việc các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cần chú trọng đến ATVSLĐ thì điều quan trọng là người lao động cần nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm đúng đắn về ATVSLĐ. Hơn ai hết, người lao động cần phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn cho chính mình. Người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình; sử dụng các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn, đảm bảo an toàn sức khoẻ và tính mạng.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top