Đưa các anh về với đất mẹ

08:43 - Thứ Ba, 11/01/2022 Lượt xem: 4781 In bài viết

ĐBP - Sớm tháng chạp, Nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao, huyện Điện Biên phủ mờ sương. Trong không khí đầy trang ngiêm và xúc động, 6 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào được trang trọng đưa về đây yên nghỉ. Sau bao nhiêu năm nằm sâu trong lòng đất lạnh xứ người, mùa xuân này, các anh đã thực sự trở về, nằm vào lòng đất mẹ quê hương cùng đồng chí, đồng đội

Lễ truy điệu và an táng 6 hài cốt liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao được tổ chức trang nghiêm và trọng thể.

1. “Khó khăn ngày càng nhiều vì thông tin ngày một ít, mơ hồ hơn và hơn hết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều bản, làng của Lào bị phong tỏa, phải liên lạc qua điện thoại nên thông tin sai lệch không ít. Thế nhưng, chúng tôi vẫn kiên trì với nhiệm vụ. Đợt này, đội quy tập được 12 mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam để đưa các anh về với đất mẹ”-  Đó là những lời tâm sự mở đầu câu chuyện về hành trình tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ của Đại tá Hán Văn Hùng, Đội trưởng Đội Quy tập mộ liệt sỹ (Quân khu 2).

Bắt đầu mùa khô 2021 - 2022, cũng là lúc các thành viên trong Đội Quy tập mộ liệt sĩ (Quân khu 2) với hành trang là balô, cuốc, xẻng, đồ ăn khô, thịt ướp muối rang thật mặn, nước uống, thuốc men… hành trình đến với những cánh "rừng thiêng nước độc" trên đất bạn Lào. Từ thông tin thu thập được, đợt tìm kiếm này tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Luông Nậm Thà và Luông Pra Băng. Tuy nhiên trước đó, để có thể xác định vị trí, Đội đã phải mất thời gian dài khảo sát, tiếp cận, thu thập, đối chiếu thông tin thu thập được từ những đơn vị cũ, các cựu chiến binh, nhân dân Lào biết được thông tin, giấy báo tử từ gia đình các liệt sĩ…

Kỳ công là vậy, nhưng không phải lần tìm kiếm nào cũng có kết quả ngay. Có những phần mộ, do thời gian quá lâu, địa hình thay đổi nên mặc dù người trực tiếp chôn cất cùng đi tìm nhưng phải tìm đi tìm lại 5 - 7 chuyến, đào không biết bao nhiêu vị trí, thuộc lòng từng gốc cây, tảng đá mới tìm được. Hay có lần, cả đoàn vừa ra khỏi rừng để mua thêm thực phẩm sau nhiều ngày ăn ở trong rừng, nhưng khi nhận tin báo, khu vực trong rừng sâu nghi có mộ liệt sĩ, thế là sáng sớm hôm sau, lực lượng tìm kiếm lại cơm đùm, gạo bới tức tốc quay vào rừng để tìm kiếm.

Suốt 1 năm trời, vừa tiếp cận, thu thập, đối chiếu thông tin, rồi từ những  thông tin chắp nối, tấm sơ đồ cũ mòn, lực lượng tìm kiếm đã lần lượt vượt qua hết khó khăn đến các bản làng xa xôi, những địa danh khốc liệt của chiến trường xưa, thậm chí có nơi hàng năm không có dấu chân người qua lại. Và rồi, đổi lại những khó khăn, gian khổ ấy, lần lượt 12 bộ hài cốt của liệt sỹ Việt Nam được phát hiện, cất bốc trong niềm vui hòa lẫn nước mắt của những người làm nhiệm vụ.

2. Dọc tuyến đường từ Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đến Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao, ngày đón các anh về, từng dòng người chờ đón trong niềm xúc động thiêng liêng. 12 liệt sĩ được tìm thấy trong đợt này, chỉ có 6 liệt sĩ xác định được danh tính và được đưa về các địa phương an táng; 6 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, được đưa về an nghỉ cùng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao.  

Đúng 7 giờ 30 phút sáng, ngày tổ chức lễ truy điệu và an táng 6 hài cốt liệt sỹ, tiếng chuông tại tháp chuông liệt sỹ Tông Khao vang lên từng hồi, đoàn rước hài cốt liệt sỹ chầm chậm tiến vào nơi tổ chức lễ truy điệu trong không khí trang nghiêm và trọng thể.

Cựu chiến binh Vàng A Tủa thắp hương cho đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao.

Xúc động và biết ơn, có lẽ là tâm trạng chung của những người có mặt tại buổi lễ truy điệu hôm ấy khi nghe đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Thị Hoa đọc lời điếu văn gửi đến anh linh các anh hùng liệt sỹ: “Chúng ta vô cùng biết ơn các anh, những chiến sĩ trung kiên không ngại gian khổ, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Các anh đã chiến đấu, hy sinh anh dũng, được đồng đội chôn cất vội vàng, để rồi hôm nay, chúng ta đón các anh về quê hương trong niềm tiếc thương vô hạn. Tên tuổi và chiến công của các anh đã hòa quyện vào niềm hạnh phúc của nhân dân, lịch sử của dân tộc Việt Nam trường tồn vĩnh cửu. Để xứng đáng với sự hy sinh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương Điện Biên ngày càng giàu mạnh; thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, xứng đáng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng”.

Có mặt ở Nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao từ rất sớm, tự tay thắp nén nhang thơm lên phần mộ của những người từng là đồng chí, đồng đội, cựu chiến binh Vàng A Tủa, 68 tuổi, tổ 12, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi từng tham gia chiến đấu ở Chiến trường tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) từ tháng 8/1971 đến năm 1976, từng trải qua sự tàn khốc của những năm tháng chiến tranh, dù may mắn lành lặn trở về, nhưng trong lòng tôi luôn trăn trở khi có biết bao đồng đội của mình đã phải nằm lại nơi chiến trường khốc liệt ấy. Bởi vậy, lần nào, đón hài cốt những đồng chí, đồng đội trở về từ nước bạn Lào, tôi cũng có mặt và cảm thấy vô cùng xúc động như đón chính những người thân của mình trở về sau bao năm xa cách.

3. Không chỉ đợt này, suốt 28 năm qua, kể từ ngày được thành lập đến nay, Đội Quy tập mộ liệt sĩ (Quân khu 2) đã tìm kiếm, quy tập được 1.784 mộ liệt sĩ là chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam ở nước bạn Lào đưa về an nghỉ trong lòng đất mẹ (trong đó, có 367 mộ có danh tính).

Với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên địa bàn 6 tỉnh Bắc Lào, gồm: U Đôm Xay; Luông Pra Băng; Bo Kẹo; Luông Nậm Thà; Phoong Sa Ly và Xay Nha Bu Li, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được Ðội thực hiện liên tục từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, mỗi chuyến đi trung bình kéo dài từ 10 - 15 ngày. Vào mùa mưa Ðội tập trung nắm bắt địa bàn, khai thác, chắt lọc, phân tích và so sánh các nguồn thông tin để xác định vị trí, địa điểm sẽ lên đường tìm kiếm, cất bốc vào mùa khô. Những chuyến đi uống nước suối, ăn củ, nõn chuối rừng thay rau, mắc võng ngủ giữa rừng già bạt ngàn đã quá quen thuộc với các thành viên của Ðội. Nhưng khi nghĩ đến sự hy sinh quá lớn của các anh hùng liệt sĩ; nhớ đến những ánh mắt của những người vợ, người mẹ đang trông chờ chồng, con từng ngày, cán bộ, chiến sỹ trong Đội lại kiên định bám sát theo từng nguồn tin, cùng sự giúp đỡ của cán bộ địa phương và người dân bản địa, quyết tâm tìm cho được hài cốt các anh.

Đến giờ phút này, dù đã đưa được hàng nghìn hài cốt liệt sỹ trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ, nhưng trong câu chuyện với Đại tá Hán Văn Hùng, chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi day dứt, trăn trở chưa yên của những cán bộ, chiến sỹ trong đội quy tập. Trăn trở, bởi nơi rừng sâu trên đất bạn, vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy, đồng nghĩa với hàng trăm, hàng nghìn thân nhân vẫn ngày đêm mong ngóng người thân, vẫn chưa nguôi ngoai vết thương lòng. Và bởi, đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của những người được giao trọng trách cao cả. Vì lẽ ấy, ngay sau lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ đợt này, Đại tá Hùng đã nhanh chóng cùng đồng đội tiếp tục trở lại hành trình tìm kiếm, để sớm đưa hài cốt các liệt sỹ trở về quê hương, trở về trong niềm mong mỏi, chờ đón của gia đình, người thân.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top