Lan tỏa lối sống xanh

08:27 - Thứ Năm, 13/01/2022 Lượt xem: 3395 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu gìn giữ môi trường sống xanh - sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua phong trào “Nói không với rác thải nhựa” tại tỉnh Điện Biên nhận được sự hưởng ứng, chung tay hành động của nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nhiều mô hình chống rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, thay đổi nhận thức, lối sống của người dân, đoàn viên thanh niên, học sinh... được thành lập hiệu quả, thiết thực. Thông qua các mô hình này đã và đang góp phần làm thay đổi thói quen, nhận thức của đông đảo người dân về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.

Đoàn viên thanh niên huyện Mường Ảng trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: C.T.V

Hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa, nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi cho người dân và đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ môi trường, đoàn viên thanh niên các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa, Núa Ngam (huyện Điện Biên) đã triển khai hoạt động ý nghĩa. Đó là tự thiết kế những mô hình “ngôi nhà xanh”, “ngôi nhà 200 đồng” làm từ những nguyên vật liệu tận dụng, phế liệu (sắt thép, lưới B40, tấm tôn...) với nhiều kích thước khác nhau.

Sau khi hoàn thành, “ngôi nhà xanh”, “ngôi nhà 200 đồng” được đoàn thanh niên các xã bàn giao cho các trường học trên địa bàn để nhà trường hướng dẫn, tuyên truyền học sinh sử dụng hiệu quả, qua đó góp phần giảm thiểu các loại rác thải nhựa ra môi trường. Tùy thuộc tình hình, mỗi tuần hoặc mỗi tháng, khi các “ngôi nhà xanh” đầy phế liệu, đoàn thanh niên các xã phối hợp với nhà trường tổ chức phân loại rác thải mang đi bán, gây quỹ khuyến học hỗ trợ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Việc triển khai mô hình không chỉ góp phần giữ sạch môi trường mà còn hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ rác thải nhựa. Đồng thời còn giúp đoàn viên thanh niên, học sinh nhà trường hiểu rõ hơn về giá trị của rác thải, không phải cứ là rác thì sẽ không còn giá trị. Với hiệu ứng tích cực của mô hình, đến nay nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai, nhân rộng mô hình này để thu gom rác thải hướng tới bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Chung tay chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, gia đình ông Đào Xuân Quỳnh, bản Trung Tâm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) đã dùng cây dương xỉ để sản xuất ống hút thay thế ống hút nhựa. Theo ông Quỳnh, cây dương xỉ mọc khá nhiều trên địa bàn tỉnh; có thân rỗng, lành tính, không mùi và dễ phân hủy trong môi trường. Trong khi quy trình sản xuất loại ống hút này cũng đơn giản, chỉ việc lên rừng chọn những cây dương xỉ trưởng thành đem về rút phần ruột bên trong, vệ sinh sạch sẽ, sau đó sấy khô và đóng gói, bảo quản trong túi hút chân không, có thể tái sử dụng nhiều lần nếu được tẩy rửa vệ sinh tốt. Sản phẩm hiện nay được nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ cà phê, giải khát trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, thậm chí một số tỉnh, thành phố khác đặt mua với số lượng lớn.

Theo chị Hoàng Thị Mỹ Dung, chủ quán cà phê Buông (TP. Điện Biên Phủ), trước đây quán sử dụng ống hút nhựa, cốc nhựa để phục vụ khách vì tính tiện lợi. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng đến môi trường từ sản phẩm nhựa dùng một lần, quán đã tìm hiểu và quyết định chuyển sang sử dụng ống hút được làm từ chất liệu có thể tái chế hoặc dễ phân hủy trong môi trường, như: Tre nứa, dương xỉ, gạo... Tuy nhiên, các sản phẩm ống hút này nguồn cung trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, giá thành tương đối cao. Ban đầu khách cũng chưa quen với những loại ống hút làm từ nguyên liệu tự nhiên này, nhưng quán vẫn quyết định lựa chọn để sử dụng, bởi không chỉ thân thiện với môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe khách hàng.

Thời gian qua, nhiều mô hình sống xanh được các cấp, ngành, hội đoàn thể triển khai thực hiện trong đời sống hàng ngày, như: Mô hình “Bể thu gom chai, lọ nhựa” của Đoàn xã Mường Nhà, Đoàn xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên); mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải tái chế của thanh niên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh... Tại các trường học, nhiều phong trào hưởng ứng lối sống xanh đã lan tỏa. Như các hoạt động đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập; xây dựng tiểu phẩm bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; phát triển mô hình trồng rau xanh hữu cơ; học cách phân loại rác như: chương trình “Đổi giấy lấy cây” của Câu lạc bộ Môi trường và Cộng đồng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Điện Biên Phủ); “Tái chế túi nilon làm gạch lát đường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường” của Trường THCS Him Lam (TP. Điện Biên Phủ)...

Để tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác chống rác thải nhựa nói riêng, các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa. Vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; chuyển từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top