Tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014

13:18 - Thứ Sáu, 14/01/2022 Lượt xem: 3086 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (14/1), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch. Qua đó góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại; góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp; phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm” phục vụ. Các Văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Các Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoặc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính cũng đã góp phần giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách nhà nước.

Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước gần 1,7 nghìn tỷ đồng.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, đa số các văn bản công chứng đều bảo đảm an toàn pháp lý. Số lượng vụ việc phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng thấp; nhiều địa phương không có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng. Sở Tư pháp (cơ quan chủ quản) cũng thường xuyên cập nhật thông tin tham khảo, ngăn chặn giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Một số địa phương còn chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng cho cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến văn bản công chứng; xây dựng được quy chế phối hợp liên ngành về việc cung cấp thông tin phong tỏa, ngăn chặn, kê biên, tạm ngừng giao dịch đối với tài sản trong các vụ án và tài sản bảo đảm thi hành án.

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top