Chống rác thải nhựa: Nơi vào cuộc, chỗ thờ ơ

08:28 - Thứ Bảy, 15/01/2022 Lượt xem: 4681 In bài viết

ĐBP - Hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa”, những năm qua, nhiều hành động cụ thể, mô hình mới, cách làm hay đã và đang được nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những nơi tích cực, rốt ráo vào cuộc, còn có không ít nơi đồ nhựa dùng một lần vẫn được sử dụng tràn lan như chưa từng có Phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Hội viên phụ nữ Mường Chà sử dụng chai lọ nhựa để trang trí bồn hoa.

Hành động cụ thể

Theo ông Cao Minh Chính, Phó phòng Quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường, triển khai Phong trào “Chống rác thải nhựa”, nhiều hành động cụ thể, mô hình mới, cách làm hay đã và đang được nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai. Điển hình như Phong trào "dùng làn đi chợ" của các cấp Hội Phụ nữ; làm đồ dùng học tập từ đồ nhựa tại các trường học; các phong trào, mô hình thiết thực của các cấp bộ Đoàn như: “Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”, “Hành trình thứ hai của lốp xe”, “Ngôi nhà xanh”, “Ngôi nhà 200 đồng”...

Không dừng lại ở đó, để Phong trào “Chống rác thải nhựa” lan tỏa sâu rộng, ngày 27/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, các địa phương và cộng đồng dân cư nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý rác thải nhựa, trọng tâm là rác thải các khu chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa xuống ao, hồ, sông, suối, khu công cộng.

Không đứng ngoài Phong trào “Chống rác thải nhựa” đang lan tỏa rộng khắp, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực nhập cuộc. Đơn cử như hành động sử dụng túi xốp bọc trái cây dễ phân hủy của anh Đinh Công Lượng, thôn Tiến Thanh, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Theo anh Lượng, với hơn 8.000m2 diện tích trồng ổi, từ nhiều năm nay, thay vì sử dụng túi nilon khó phân hủy để bọc ổi, anh đã chuyển sang sử dụng túi xốp dễ phân hủy. Dù giá thành túi bọc xốp đắt hơn túi nilon khoảng 10.000 đồng/kg, song với ưu điểm là túi bọc có đục lỗ thông thoáng, tạo môi trường ổn định cho quả phát triển, và hơn hết túi bọc xốp chỉ mất từ 1 đến 1 năm rưỡi là phân hủy hoàn toàn, không gây hại cho môi trường nên anh vẫn ưu tiên lựa chọn sử dụng.

Còn tại quán Buông Copffe, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ, nhằm “nói không với rác thải nhựa”, ống hút tre cũng đang dần được thay thế ống hút nhựa. Chị Hoàng Thị Mỹ Dung, chủ quán Buông Copffe chia sẻ: Sử dụng ống hút tre tuy có mất công hơn trong việc vệ sinh và bảo quản, nhưng độ bền có thể lên đến vài tháng, tính ra giá thành cũng chỉ tương đương với ống hút nhựa dùng một lần. Không chỉ thân thiện với môi trường, tái sử dụng được nhiều lần, mà hơn hết, khách hàng đến quán cũng tỏ ra rất thích thú với việc được sử dụng ống hút tre, giúp cho ‘độ sang’ của quán được nâng lên ít nhiều.

Thói quen cố hữu

Thực tế cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân, không ít nơi, nhất là tại một số điểm công cộng, như: chợ, hàng ăn, cơ sở kinh doanh… đồ nhựa dùng một lần vẫn xuất hiện phổ biến và sử dụng tràn lan.

Ghi nhận của phóng viên, hầu hết các khu chợ trên địa bàn tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, tình trạng sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, giấy bóng bọc thực phẩm vẫn được bày bán và sử dụng như "thói quen khó bỏ. Tại chợ Mường Thanh, theo quan sát của phóng viên, vẫn có người đi chợ sử dụng làn hay túi đựng nhiều lần để đựng thực phẩm nhưng rất ít, thay vào đó, phần lớn là sử dụng túi nilon dùng một lần. Cứ một người ra khỏi chợ là xách theo tối thiểu từ 2 - 3 túi nilon đựng đồ, thức ăn, thậm chí có người còn xách cả chục chiếc túi nilon đựng rau, quả, thịt, cá...

Túi nilon được sử dụng phổ biến tại chợ Mường Thanh.

Khẳng định việc “chống” rác thải nhựa là cần thiết để bảo vệ sức khỏe và môi trường, song chị Hoàng Thị Tình, một tiểu thương ở chợ Mường Thanh cũng bày tỏ quan điểm với điều kiện “người dân phải mang túi đựng đi thì những người buôn bán thực phẩm vốn làm dâu trăm họ ở chợ như chị mới thực hiện được. Bởi, bán hàng mà không có túi đựng cho khách khi họ yêu cầu thì cũng không được”.

Không chỉ tại các chợ, tại nhiều quán bán đồ ăn, nước uống có điểm chung dễ nhận thấy là tất cả đều sử dụng cốc, muỗng, ống hút, hộp đựng đồ ăn bằng nhựa dùng một lần. Nhiều chủ quán cho rằng, việc sử dụng các đồ nhựa dùng một lần tràn lan như vậy là bởi sự nhanh, gọn, nhẹ, giá lại rất rẻ. Các loại cốc nhựa chỉ từ 30 - 50 nghìn đồng/100 chiếc; thìa nhựa chỉ 20 nghìn đồng/100 chiếc; ống hút nhựa từ 10 - 12 nghìn đồng/100 cái... Hơn nữa lại tiện dụng cho khách hàng đựng đồ ăn, nước uống mang về.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Ở tỉnh Điện Biên, dù chưa tính toán được cụ thể, nhưng nhẩm tính đơn giản, toàn tỉnh hiện có trên 134.000 hộ với hơn 613.000 người dân, với nhu cầu sử dụng túi lilon của mỗi hộ tối thiểu từ 1 – 2 chiếc/ngày, như vậy, ít nhất có khoảng 100.000 chiếc túi ni lông thải ra môi trường mỗi ngày. Nếu tính cả các loại rác thải nhựa khác, mỗi ngày cũng có đến cả tấn rác thải nhựa xả ra môi trường.

Thực tế, dù nhiều người đã nhận thức được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống nhưng bởi đặc tính gọn nhẹ, không ngấm nước, dễ gấp, dễ dùng và rẻ nên việc sử dụng túi nilon vẫn là thói quen khó bỏ của nhiều người. Mặt khác, những sản phẩm chất liệu khác thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần chưa thực sự phong phú, đa dạng, giá thành lại cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Thiết nghĩ, cùng với động thái tích cực của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, các địa phương, thì hiệu quả của việc nói không với rác thải nhựa còn phụ thuộc phần lớn vào ý thức và hành động của cộng đồng. Bởi đây là vấn đề không chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, cũng không phải chỉ một cá nhân hay tập thể hưởng ứng là thành phong trào lớn, mà nó cần được nhân rộng, cần sự chung tay của cả cộng đồng để cùng lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường sống.  

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top