Thư viện tỉnh trước yêu cầu chuyển đổi số

08:47 - Thứ Hai, 24/01/2022 Lượt xem: 4898 In bài viết

ĐBP - Để thu hút độc giả, đáp ứng nhu cầu thông tin và phù hợp với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì việc ứng dụng phần mềm thư viện điện tử, chuyển đổi số trong ngành thư viện là một nhiệm vụ cấp thiết, đang được Thư viện tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tập trung triển khai.

Hoạt động giới thiệu sách trên cổng thông tin điện tử của Thư viện tỉnh là một trong những kênh thông tin để độc giả nghiên cứu, tìm hiểu sách.

Trong năm qua, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm Thư viện tỉnh phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp. Ông Nguyễn Hồng Giang, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Thư viện tỉnh) cho biết: “Để vừa bảo đảm việc phục vụ bạn đọc, vừa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, chúng tôi đã triển khai các nội dung giới thiệu sách mới bằng video clip, bằng thông tin tóm lược hoặc một số tài liệu đã số hóa thông qua website của thư viện. Hệ thống mục lục tra cứu sách trực tuyến cũng đã được tích hợp trên trang thông tin điện tử qua địa chỉ http://thuviendienbien.gov.vn. Đồng thời xây dựng bộ sưu tập dữ liệu “Sách nói” (Audio Book); tiếp tục hỗ trợ bạn đọc tra cứu, khai thác thông tin thông qua điểm truy cập internet công cộng miễn phí...”.

Để triển khai được các công việc đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin tại Thư viện cũng được đầu tư bước đầu. Đến nay, khoảng 60% công việc chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện bằng máy vi tính nhờ triển khai phần mềm quản lý thư viện Kipos. “Tính đến hết năm 2021, Thư viện tỉnh đã thực hiện chuyển đổi xong toàn bộ biểu ghi thư mục đối với sách ở các kho chính của Thư viện (gồm: Kho đọc tổng hợp; kho mượn sách người lớn; kho mượn sách thiếu nhi; kho địa chí; kho sách phục vụ lưu động) thành các cơ sở dữ liệu (CSDL) tra cứu riêng biệt cho từng kho. Nhằm giúp bạn đọc có thể tra cứu tài liệu bằng các thiết bị công nghệ có kết nối internet, rút ngắn thời gian mượn, trả, đồng thời làm cơ sở cho việc kết nối, chia sẻ thông tin thư mục giữa các thư viện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đã áp dụng mã vạch trong việc quản lý dữ liệu về bạn đọc, quản lý, lưu thông vốn tài liệu” - ông Giang chia sẻ thêm.

Cùng với các công tác trên, thì phần mềm thư viện điện tử đã được đầu tư, khai thác, sử dụng tại Thư viện tỉnh từ năm 2019. Hiện có khoảng 300.000 trang tài liệu, chủ yếu là tài liệu địa chí được số hóa. Năm 2021, đã có khoảng 24 nghìn lượt độc giả truy nhập CSDL thư viện điện tử. Hình thức này được độc giả đón nhận, là tiền đề cho chuyển đổi số ngành thư viện. Tuy nhiên, thời gian qua việc số hóa tài liệu vẫn gặp không ít khó khăn về cơ chế chính sách, sự quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực. Ngoài ra công tác sưu tầm các tài liệu quý còn lưu truyền trong nhân dân cũng gặp nhiều vướng mắc.

Theo Kế hoạch số 3829/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thư viện tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu nghiệp vụ, từng bước phát triển thư viện điện tử, thư viện số tiên tiến, hiện đại; có khả năng chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin... Phấn đấu đến năm 2025, có 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, tài liệu phản ánh về địa phương (có trong Thư viện tỉnh hoặc các tổ chức, cá nhân đang lưu trữ) được số hóa và quản lý, khai thác sử dụng trên phần mềm thư viện số.

Để triển khai có hiệu quả chương trình trên, Thư viện tỉnh xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng, phát triển nguồn lực tài nguyên thông tin số, đồng thời tích hợp, kết nối liên thông, xây dựng CSDL mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia chia sẻ mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời hoàn thiện khâu lưu thông tài liệu trên phần mềm quản lý thư viện; triển khai cấp, mở tài khoản cá nhân cho bạn đọc dựa trên các tính năng mở rộng của phần mềm, giúp bạn đọc ngoài việc mượn, trả tài liệu có thể tương tác với thủ thư về các vấn đề liên quan...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top