ĐBP - Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong cải cách TTHC, thời gian qua, tỉnh ta đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT và phần mềm đồng bộ, hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Chiến, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử một cách đồng bộ, toàn diện với nhiều giải pháp phù hợp. Trong đó tập trung ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn an ninh thông tin, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ tạo cơ sở để triển khai các phần mềm ứng dụng, phần mềm chuyên ngành thuận lợi, hiệu quả. Điển hình như Cổng dịch vụ công trực tuyến đã đăng tải công khai kết quả giải quyết TTHC và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến với trên 1.600 thủ tục. Đa số các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố có trang thông tin điện tử. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, hiệp hội… trên địa bàn tỉnh cũng đã bước đầu triển khai ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài việc xây dựng hạ tầng và ứng dụng CNTT, công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT cũng được chú trọng. Hiện nay 90% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện có cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về công nghệ thông tin.
Hiện nay, hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử thống nhất, tập trung toàn tỉnh đã được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước các cấp (tỉnh, huyện, xã). Nhờ đó, hầu hết TTHC đều được số hóa, giải quyết trên môi trường mạng. Các thao tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ được thực hiện trên hệ thống phần mềm nhanh chóng, thuận tiện, qua đó tăng hiệu quả quản lý thông tin, dữ liệu, thuận tiện cho việc tra cứu nội dung hồ sơ TTHC, giảm tối đa việc ban hành, lưu trữ bản giấy gây tốn kém chi phí. 100% TTHC được thiết lập quy trình điện tử chuẩn ISO trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử, qua đó đảm bảo việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, đơn vị được thực hiện công khai, minh bạch trên môi trường mạng. Đồng thời xác định rõ được trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong từng khâu, từng việc của quá trình giải quyết TTHC. Kết quả giải quyết TTHC được cơ quan, đơn vị thông báo qua tin nhắn điện thoại (SMS) và thư điện tử để tổ chức, cá nhân chủ động trong việc nhận kết quả hoặc trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh ta đã tích hợp 1.602 TTHC. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 12%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 24%; 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng đánh giá sự hài lòng của người dùng; 2 dịch vụ công được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua các phần mềm một cửa điện tử các cấp của tỉnh đạt 75%.
Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long cho biết: Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tôi đến Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) nộp hồ sơ xin cấp phù hiệu cho xe taxi. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC rất thuận tiện, nhanh chóng. Nhờ ứng dụng CNTT, tôi đã hoàn thiện quy trình, thủ tục xin cấp phù hiệu cho xe taxi chỉ trong khoảng 5 phút.
Hiện đại hóa hành chính không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà cũng giúp cho công tác phối hợp, giải quyết công việc của các cơ quan quản lý nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh 100% cơ quan Nhà nước từ cấp xã trở lên đã kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh và kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử chiếm trên 50% tổng văn bản gửi nhận giữa các cơ quan nhà nước; tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh, cấp huyện đạt trên 90%, cấp xã đạt trên 20%.