ĐBP - Dẫu vẫn còn những khó khăn thiệt thòi, nhưng tết cổ truyền năm nay các em nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật, những “mảnh đời khuyết” sẽ thấy ấm lòng hơn, bởi sự quan tâm, sẻ chia của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm cũng như vòng tay yêu thương của cả cộng đồng.
Một ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; từ sớm đã thấy người đàn ông bế đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi, bị sứt môi. Được biết, anh là Mùa A Thái, bản Hua Chăn, xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) đưa con đến làm phẫu thuật. Anh Thái giãi bày: “Bị dị tật sứt môi đã khiến cháu gặp nhiều khó khăn trong ăn uống… Gia đình muốn phẫu thuật cho con, song khoản tiền vài chục triệu là quá sức. May mắn, con gái tôi được phẫu thuật miễn phí; đây là điều kỳ diệu”. Đây là chương trình do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Trung tâm II - đơn vị trực tiếp hỗ trợ trẻ em khuyết tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức, phẫu thuật miễn phí cho 200 trẻ em khuyết tật từ 10 huyện, thị xã, thành phố; đa phần các cháu thuộc diện hộ nghèo, sinh sống ở các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Từ nhiều ngày nay, để tạo không khí sum vầy, ấm áp, đón tết cổ truyền, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã chuẩn bị cành đào tươi thắm, trang trí bắt mắt với những câu chúc mừng năm mới và bóng đèn nhấp nháy. Chị Vũ Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chia sẻ: Hiện nay Trung tâm nuôi dưỡng 80 cháu, đa phần là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện nay trẻ dưới 4 tuổi được chi trả 1,8 triệu đồng/tháng tiền ăn và 540 nghìn đồng tiền sinh hoạt phí; trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên được chi trả 1.140.000 đồng/tháng tiền ăn và 504 nghìn đồng tiền sinh hoạt phí; các cháu học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học 792.000 đồng/tháng.
Tết Nhâm Dần năm nay có lẽ là cái tết đặc biệt. Bởi các con đón tết trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, dẫu không muốn nhưng Trung tâm cũng phải hạn chế người thân đến thăm nom và đón các cháu về quê ăn tết; đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch. Để các con bớt nhớ nhà, người thân, đón tết Cổ truyền trong yêu thương, đùm bọc, Trung tâm sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực: Thi gói bánh chưng chiều 30 tết; thi đấu cầu lông, các trò chơi dân gian, truyền thống trong ngày tết. Đặc biệt, việc nhập nguyên vật liệu, thực phẩm đảm bảo an toàn, các mẹ chế biến nhiều món ăn đa dạng, theo phong tục ngày tết (giò, chả, nem rán, bánh chưng, thịt gà...), đảm bảo những bữa ăn nóng sốt, đủ chất dinh dưỡng cho các con.
Đã 8 năm về với vòng tay yêu thương của các mẹ, cũng là 8 mùa xuân em Sùng Y Na đón tết ở ngôi nhà thứ hai. “Em thấy háo hức lắm! Được cùng các mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, vệ sinh khuôn viên; chọn cành đào, cây quất, gói bánh chưng, nhất là tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, nô đùa thỏa thích với các anh, chị, em... Điều đó đã giúp chúng em thắt chặt thêm tình thân, vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ người thân,” - Sùng Y Na chia sẻ.
Tại Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ việc chuẩn bị đón tết Nguyên đán được các mẹ, các dì tổ chức rất chu đáo, đầy đủ. Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Làng trẻ chia sẻ: Để chuẩn bị tết cho các con, vừa đảm bảo phòng dịch Covid-19, vừa tiết kiệm nhưng vẫn mang lại cảm giác đầm ấm. Dù các con không có người thân ruột thịt bên cạnh, nhưng Làng vẫn luôn cố gắng để các con có một cái tết đủ đầy trọn vẹn niềm vui tuổi thơ, quây quần bên nồi bánh chưng, các trò chơi dân gian.
Mùa xuân đang đến thật gần. Chia tay các em nhỏ chúng tôi thấy ấm lòng hơn, bởi những đôi bàn tay yêu thương, bởi sự nỗ lực của các mẹ, các dì luôn chăm lo cuộc sống đủ đầy cho các con... Để cùng với niềm tin và nghị lực vươn lên của các con sự chung tay của cộng đồng xã hội và dưới sự đùm bọc, yêu thương của các mẹ, các con sẽ có cuộc sống yên vui, trưởng thành, góp ích cho xã hội.