Đổi thay Púng Bon

08:12 - Chủ Nhật, 30/01/2022 Lượt xem: 3628 In bài viết

ĐBP - Cách trung tâm xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) hơn 4km, Púng Bon là nơi sinh sống của 54 hộ, 251 nhân khẩu người dân tộc Cống. Lần trở lại này, chúng tôi thấy một Púng Bon hoàn toàn khác; khác về những tín hiệu tích cực, cuộc sống của bà con nơi đây ngày một khởi sắc. Đón tiếp chúng tôi, anh Lò Văn Liên, Bí thư Chi bộ bản Púng Bon hồ hởi kể nhiều chuyện về cuộc sống nơi đây, nhưng ấn tượng hơn cả là đời sống của người dân trong bản những năm gần đây không ngừng được cải thiện. Anh Liên chia sẻ: “Púng Bon bây giờ đã khác trước, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm; nhiều hộ vẫn còn khó khăn, nhưng cũng không thiếu cơm, thiếu gạo trong những tháng giáp hạt nữa. Có những hộ mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, đầu tư máy móc khai hoang lúa nước, trồng được nhiều thóc rồi bán lấy tiền trang trải sinh hoạt cuộc sống hàng ngày”.

Minh chứng cho lời nói của mình, anh Liên dẫn chúng tôi đi thăm một vòng bản, vừa đi anh vừa chia sẻ: Trước đây, Púng Bon khó khăn lắm, nguyên nhân đói nghèo thì có nhiều. Do bà con chưa biết canh tác lúa nương, lúa nước, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chỉ dựa vào kinh nghiệm nên có những năm ảnh hưởng thiên tai, năng suất cây trồng kém hoặc có những hộ không chịu làm ăn; chăn nuôi thì nhỏ lẻ, manh mún. Thế nhưng, khi được cấp ủy, chính quyền xã, nhất là cán bộ, đảng viên thường xuyên bám bản, vận động, tuyên truyền, hướng dẫn cách trồng lúa nước, lúa nương, chăm sóc gia súc, gia cầm; cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình, chính sách, dự án, nhận thức của đồng bào nơi đây thay đổi rõ rệt. Nhiều gia đình chịu khó làm ăn, vươn lên phát triển kinh tế, trồng thêm lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi trâu, bò, gia súc gia cầm thành đàn... Năm 2021, bản chỉ còn 20 hộ nghèo; không còn nhà tạm, dột nát. Điện, đường đều đã đầy đủ, cuộc sống người dân ấm no hơn.

Nhà ông Lò Văn Mọng trước đây là một trong những hộ nghèo của bản, nhưng không khuất phục khó khăn, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Nhận thấy lúa nước đem lại năng suất cao, mỗi năm có thể trồng 2 vụ, ông mua máy móc để khai hoang ruộng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, đến nay, gia đình ông trồng 5.000m2 lúa nước, 1ha lúa nương, 10 con trâu, bò, 3ha ao nuôi cá trắm, rô phi, lăng, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, đem lại nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm; dựng được căn nhà khang trang, sạch đẹp. Ông Mọng tâm sự: “Được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi tôi đều tham gia, tiếp thu kiến thức, về áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Mình phải quyết tâm thoát nghèo, để bản thân và con, cháu không phải thiếu cái ăn, cái mặc, được đi học đầy đủ”.

Các tuyến đường nội bản đều được bê tông hóa.

Ngoài trồng lúa nước, lúa nương và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, người dân Púng Bon đang tích cực mở rộng quy mô ao cá, tìm hướng phát triển kinh tế mới. Trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được ra lớp, tình hình an ninh trật tự ổn định. Người dân đã thay đổi được nhận thức, biết làm gì cho cuộc sống tốt hơn, biết chuyển đổi giống lúa mới đem lại năng suất cao, tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, không chăn thả rông gia súc. Người dân có ý chí vươn lên, quyết tâm, chịu khó; bản đã có nhiều hộ khá giả, thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Người dân tộc Cống ở Púng Bon đồng lòng, quyết tâm vươn lên tạo dựng cuộc sống ấm no.

Thùy Trang
Bình luận
Back To Top