Gần hơn Pá Mỳ

08:17 - Chủ Nhật, 30/01/2022 Lượt xem: 6096 In bài viết

ĐBP - “Gần 70 năm sống trên mảnh đất Pá Mỳ, tôi đã chứng kiến sự đổi thay trên quê hương mình. Chưa bao giờ như lúc này, tôi háo hức chờ đón đến ngày con đường Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2022. Con đường nhất định sẽ mang đến khởi đầu mới cho người dân nơi đây…” - ông Chảo Phù Tin, “Cây đại thụ” bản Huổi Pết, xã Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) nói trong sự hào hứng, phấn khởi với niềm tin về tương lai tươi sáng.

Tuyến đường Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ sau khi hoàn thành trong năm 2022 sẽ kết nối trung tâm xã Pá Mỳ với quốc lộ 4H, tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Những ngày cuối tháng 12, chúng tôi có dịp trở lại Pá Mỳ - một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện Mường Nhé. Trong làn sương sớm, tôi cảm nhận khá rõ niềm vui hân hoan của người dân nơi đây khi sắc xuân đang cận kề. Bắt tay chào hỏi những người bạn từng biết nhau qua mấy lần gặp gỡ trước đó, anh Tẩn Lở Kiêm, trưởng bản Huổi Lụ 2 hỏi thăm sức khỏe chúng tôi rồi khoe: “Tết này bà con phấn khởi lắm. Trong năm sau (năm 2022), khi tuyến đường Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ hoàn thành, việc đi lại của bà con sẽ thuận tiện hơn”.

Không vui sao được, khi bao nhiêu năm qua người dân phải đi lại trên con đường đất. Nắng ráo còn đỡ, hễ mưa thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tôi còn nhớ như in khuôn mặt mệt mỏi, quần áo lấm lem bùn đất của anh Kiêm trong một lần về xã họp cách đây vài tháng. Khi đó trời mưa to, nhưng yêu cầu công việc nên anh Kiêm phải tức tốc đến ngay. Dù nói là việc gấp, song vì mưa to, đường đất trơn trượt nên phải mất gần nửa buổi anh Kiêm mới vượt qua được hơn 10km từ bản tới trung tâm xã. Dù vất vả, nhưng trưởng bản Kiêm rất phấn khởi khi người dân được hưởng một số chính sách của Đảng, Nhà nước. Anh Kiêm cho biết, trước đây, khi chưa tách bản, thì Huổi Lụ 2 và Huổi Lụ 3 có gần 100 hộ. Năm 2014, bản tách ra làm đôi thì Huổi Lụ 2 còn 30 hộ nhưng 100% là hộ nghèo. Dù cố gắng làm ăn nhưng do nhiều yếu tố, nhất là tư duy sản xuất chưa bắt kịp nhịp sống mới nên hiệu quả không cao, cơ bản chỉ mang tính chất tự cung tự cấp. Hơn nữa, việc chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường giao thông thuận lợi cũng là một trong những nguyên nhân khiến đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, khi có chính sách nào hỗ trợ bà con, anh Kiêm luôn cố gắng hết sức để sớm đến người được thụ hưởng.

Trở lại niềm vui của bà con bản Huổi Lụ 2, chúng tôi hiểu đây cũng là niềm vui chung, sự mong mỏi của đông đảo cán bộ, nhân dân xã Pá Mỳ. Ở cái tuổi đã cao, ông Chảo Phù Tin, bản Huổi Pết rất phấn khởi khi biết tuyến đường nối từ Pá Mỳ tới quốc lộ 4H đang bước vào giai đoạn hoàn thành. Ông Tin cho biết, mấy chục năm sinh sống trên mảnh đất này, có lẽ đây là niềm vui nhất đối với ông. Bởi ông biết, sau này, con cháu, người thân và bà con dân bản sẽ có đường mới để đi, nhiều điều kiện thuận lợi để giao thương, học hỏi. “Năm nay dân mình được mùa lúa, mùa ngô ai nấy đều vui. Trồng trọt thuận lợi, chăn nuôi cũng phát triển, đường sá thì cơ bản đã đi được vào mùa mưa, chờ đến khi hoàn thành sẽ thuận lợi hơn nhiều, giờ chỉ mong tết đến, xuân về” - ông Chảo Phù Tin chia sẻ trong niềm hứng khởi.

Xã Pá Mỳ có 12 bản, là xã vùng cao, bao năm qua, đời sống kinh tế người dân còn chậm phát triển. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng… những năm gần đây, dù còn nhiều khó khăn song cơ bản bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, nhất là sản xuất nông nghiệp. Bà con đã chủ động áp dụng kĩ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng. Đối với chăn nuôi, do có địa hình và đất đai khá thuận lợi nên việc phát triển đàn gia súc, gia cầm hàng năm đều tăng mạnh. Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2020, đàn trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt đều tăng cao so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra…

Ông Giàng A Trừ, Bí thư Đảng ủy xã Pá Mỳ cho biết, 5 năm trở lại đây, xã đã được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng nhiều công trình quan trọng, như: Trụ sở UBND xã, Trạm Y tế xã, 17 điểm trường của 3 bậc học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở). Cùng với đó là một số công trình dân sinh phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân như: Nhà văn hóa xã, nhà văn hóa bản Pá Mỳ 2 và 3, nhà văn hóa bản Huổi Pết, đường bê tông bản Pá Mỳ 1, đường giao thông bản Pá Mỳ 3, đường bê tông bản Huổi Pết... Cách đây hơn 2 năm, đường Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ có chiều dài 21,3km được triển khai (thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2022). Đây là công trình trọng điểm, quan trọng đối với nhân dân xã Pá Mỳ, bởi không những giúp đi lại thuận tiện hơn, kết nối trung tâm xã Pá Mỳ với quốc lộ 4H, mà còn tạo điều kiện nâng cao dân trí, phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. “Người ta vẫn thường nói, điện, đường, trường, trạm tới đâu thì đời sống, dân trí cũng cao hơn tới đó. Chúng tôi hi vọng sang năm 2022, sau khi tuyến đường “huyết mạch” Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã” - Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Trừ nhấn mạnh.

Rời Pá Mỳ khi những tia nắng khuất dần sau những triền đồi. Mang theo tâm sự, sẻ chia và cả niềm hy vọng của những người đã gặp, chúng tôi thấy lòng ấm áp. Dù biết Pá Mỳ còn nhiều khó khăn, song với niềm tin ấy, tin rằng không xa, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, nhất là ý chí khát vọng tự vươn lên của bà con nơi đây, Pá Mỳ sẽ sớm đổi thay!

Quang Long
Bình luận
Back To Top