Huổi Hẹ vào xuân

06:43 - Thứ Hai, 31/01/2022 Lượt xem: 5217 In bài viết

ĐBP - Đứng trên triền đồi, nhìn sang bên kia cánh rừng là ngọn thác Huổi He tung bọt trắng xóa, dưới là ruộng nương xen kẽ những khóm hoa cúc quỳ vàng ruộm trải ngút tầm mắt. Giữa không gian núi rừng, thấp thoáng giữa những tán lá là tấm bia màu vàng với dòng chữ “Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Huổi He” - niềm tự hào của đồng bào dân tộc Thái nơi đây…

Người dân bản Huổi Hẹ thường xuyên dọn dẹp quanh khu vực tấm bia di tích hang Huổi He.

Đứng ven quốc lộ 279 nhìn vào, qua những thửa mạ xanh non là bản Huổi Hẹ, xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ với những nếp nhà sàn khang trang lợp tôn đỏ, tôn xanh mới thấy cuộc sống thật thanh bình, ấm no. Huổi Hẹ là bản của đồng bào dân tộc Thái ngụ cư từ lâu đời. Theo lời những cụ già thì bản Huổi Hẹ có tuổi đời gần 100 năm, ban đầu chỉ có 7 hộ, sau nhiều người ở vùng khác về sinh sống cùng, rồi các thế hệ cháu con sinh ra nên đến nay bản cũng ngót ngét cả trăm hộ.

Từ cầu Huổi Hẹ con đường dẫn vào bản uốn lượn quanh co bên những nếp nhà sàn. Càng đi sâu vào bản, đường nhỏ dần, rồi ngoắt lên cao, có chỗ đường gập lại như khuỷu tay, những nếp nhà sàn cũng thưa dần rồi lẩn khuất trong tán cây xanh thẫm. Những ngày này người dân Huổi Hẹ đang tất bật thu hoạch nốt dong riềng cuối vụ. Nhà thì tập trung đảo lại lớp ngói mới, quét dọn, trang hoàng nhà cửa đón tết. Niềm tự hào lớn của người dân Huổi Hẹ là trên địa bàn có di tích hang Huổi He, nơi được Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lựa chọn đặt làm Sở chỉ huy thứ hai trong chiến dịch. Dù Sở chỉ huy chỉ đặt tạm ở đó trong thời gian rất ngắn (từ ngày 18/1 - 30/1/1954), song cũng chính tại nơi này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra quyết định vô cùng sáng suốt thay đổi kế hoạch tác chiến, chuyển phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Từ quyết định đó, với sự mưu trí, dũng cảm, cân nhắc thời cơ Đại tướng cùng quân đội ta đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào chiều 7/5/1954. Ngày nay hang Huổi He và câu chuyện về vị Đại tướng và đội quân của ông vẫn được người dân bản Huổi Hẹ kể cho con cháu nghe.

Chúng tôi vào nhà trưởng bản Lò Văn Hiệp, thật vui được gặp mẹ anh - cụ Lường Thị Hậu, một trong những người cao tuổi ở bản Huổi Hẹ. Năm nay đã xấp xỉ 90 tuổi, cụ Hậu nói không sõi tiếng phổ thông nên tôi phải nhờ anh Hiệp dịch lại giúp. Bố của bà cụ Hậu trước đây là trưởng bản Huổi Hẹ, giờ cháu ngoại ông - anh Lò Văn Hiệp cũng làm trưởng bản. Thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khi ấy bà Hậu là dân công từng tham gia gánh gạo, vận chuyển lương thực từ bản Nà Láo (khu vực xã Nà Tấu bây giờ) vào đến bản Huổi Hẹ và bản Tẩu Pung phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Kể lại những ngày tháng đó, đôi mắt bà cụ dường như trở lên xa xăm hơn, giọng đầy xúc động. Chúng tôi thật bất ngờ khi bà Hậu kể rằng trong những ngày đóng quân tại hang Huổi He, tướng Giáp đã vào bản thăm gia đình bà. Năm đó bà Hậu mới 21 tuổi. Bà vẫn nhớ hôm ấy ông Giáp xuống thăm nhà và ngồi nói chuyện với bố bà - ông  Lường Văn Thái, gần gũi hỏi han, động viên gia đình và bà con dân bản phải đoàn kết cố gắng khắc phục khó khăn, chịu khó tăng gia sản xuất.

Từ bản Huổi Hẹ vào tới hang Huổi He chừng gần 3km. Lò Văn Thăng, một thanh niên rất nhanh nhẹn làm công tác đoàn ở bản tình nguyện đưa tôi vào thác. Đường vào dốc quanh co, nhiều đoạn rất khó đi, xe lên xuống dốc thường xuyên phải ghìm số 1. Hết con đường mòn là tới nương ngô, nương lúa của người dân, qua một con suối nhìn sang triền đồi bên kia đã thấy tấm bia “Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Huổi He”. Nay khu vực quanh di tích đã được ngành Văn hóa cắm mốc, quy hoạch.

Sau những năm tháng chiến tranh, cùng với các bản làng khác người dân Huổi Hẹ bắt tay dựng lại nhà cửa, tích cực khai hoang ruộng đất, phát triển kinh tế. Nay, ngoài canh tác ruộng nước, thì có tới 70% số hộ trong bản trồng dong riềng. Ngoài trồng trên đồi, bà con còn tận dụng chân ruộng khô, nương bạc màu để mở rộng diện tích dong riềng. Kinh tế khấm khá, người dân Huổi Hẹ có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng tiện nghi. Nhiều nhà còn trồng hoa, cây cảnh không khác gì những ngôi nhà ngoài phố. Ngôi nhà sàn của gia đình ông Lò Văn Iu có những khóm tre thân mọc thẳng tưng từ đầu ngõ dẫn vào tận cổng được cắt tỉa ngay ngắn, nhìn rất đẹp mắt. Còn sát nhà trưởng bản Lò Văn Hiệp là ngôi nhà sàn khang trang của vợ chồng ông Quàng Văn Ún. Dưới hiên nhà ông Ún treo rất nhiều chậu hoa cúc, dạ yến thảo nở rực rỡ. Ông Ún phát triển kinh tế gia đình bằng trồng dong riềng, chăn nuôi trâu bò và lúa. Vụ dong riềng năm nay gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng.

Đời sống người dân Huổi Hẹ nay đã ấm no, mùa màng tốt tươi, bản làng trù phú. Năm nay bản có tới 86% số hộ đạt gia đình văn hóa. Người dân Huổi Hẹ tự hào có di tích hang Huổi He, họ quyết tâm bảo vệ phát huy giá trị di tích để nơi đây không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa.

Việt Đức
Bình luận

Tin khác

Back To Top