Người Điện Biên xa xứ

07:53 - Thứ Tư, 02/02/2022 Lượt xem: 5218 In bài viết

ĐBP - Họ là những người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Ðiện Biên, hiện đang sinh sống, học tập ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những ngày này cùng với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, họ cũng đang chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền của dân tộc nơi xứ người. Mỗi khi thời khắc giao thừa đến, nỗi nhớ người thân, quê hương càng thêm khắc khoải, da diết. Họ mong chờ giây phút được trở về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn, hưởng trọn bầu không khí sum họp ấm áp nơi quê nhà… Tuy không được sum vầy, đón tết cùng gia đình nhưng trong trái tim những người con xa xứ luôn hướng về quê hương với tất cả tình yêu và niềm tự hào.

Xuân này ở nơi xa, những người con Ðiện Biên xa xứ đều hi vọng một năm mới thật bình an, tràn đầy hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà….

Gìn giữ nguồn cội

Mỗi khi tết đến xuân về được trở về quê hương sum họp bên gia đình, người thân là điều mong mỏi hơn hết của những người con xa xứ. Với chị Phạm Hồng Hải - một Việt kiều người Điện Biên đang định cư ở Hà Lan, ngày tết Việt ở trời Tây khi tới thời khắc giao thừa thiêng liêng nơi quê nhà, xen lẫn nụ cười ấm áp, mong ước về một năm mới bình an, hạnh phúc là cả những giọt nước mắt nhớ nhung gia đình, bố mẹ, bạn bè ở quê hương…

Làm việc ở Tiệp Khắc, Nga rồi chuyển sang Hà Lan định cư, ở đâu chị Hải cũng tự hào giới thiệu mình là người con của Điện Biên. Nghe chị kể về nơi sinh ra và lớn lên - mảnh đất Điện Biên với chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc, nơi có các cô gái người dân tộc thiểu số Thái, Mông, Khơ Mú xinh đẹp mặc váy thắt eo, nơi nổi tiếng về loại gạo đặc sản ở cánh đồng Mường Thanh… những người bạn nước ngoài của chị đều tỏ ra vô cùng thích thú.

Định cư ở nước ngoài đã hơn 30 năm nay nhưng trong bấy nhiêu năm đó chị Hồng Hải chỉ về Việt Nam ăn tết khoảng 5 - 6 lần. Mỗi lần về Điện Biên, chị lại dành thời gian cùng bạn bè tổ chức đi tình nguyện tặng quà cho học sinh khó khăn ở một số điểm trường. Lần nào về, chị cũng mang hương hoa ra Nghĩa trang Liệt sĩ A1 thắp hương rồi đạp xe rong ruổi vào xóm cũ thăm các cô chú hàng xóm, bạn bè năm xưa, rồi loanh quanh khắp các tuyến phố mà như chị nói là “để ngắm Điện Biên đổi mới thế nào”.

Chị Phạm Hồng Hải trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong một dịp về thăm Điện Biên.

Nói về tết xưa chị kể gia đình nào cũng treo lá cờ đỏ sao vàng ngoài sân, trước ngõ, cành đào, ảnh Bác Hồ luôn được đặt ở nơi trang trọng trong phòng khách. Nhớ những phiên chợ ngày cận tết các cô gái Thái chân trần gánh những bó lá dong xanh mướt, vài con gà, quả trứng đi bán. Những ngày giáp tết xếp hàng đi đong gạo ở kho lương thực, chờ tới lượt mua cân thịt lợn, lít nước mắm… Niềm vui sướng khi được cấp mấy mét vải từ hàng cứu trợ của Liên Xô cũ để may quần áo diện tết...

Nơi chị Hải ở không có đông người Việt sinh sống, người Điện Biên lại càng ít. Những ngày tết cổ truyền Việt Nam ở quê hương thứ hai dù ở xa nhưng chị vẫn tạo cho mình và gia đình không khí ngày tết như bên quê nhà. Trước đây chị thường phải đi rất xa mua bánh chưng, bánh tét ở cửa hàng người Việt, nhưng giờ gia đình có nhiều thành viên nên chị tự tay gói và cũng để các con biết đến hương vị tết Việt. Mỗi lần gói bánh chưng cả nhà tập trung rất đông, chị lại kể cho các con nghe về tuổi thơ của mình và ngày tết nơi quê nhà. Có khi vừa kể vừa ứa nước mắt vì nhớ nhà khôn tả. Đến chiều ngày 30 âm theo lịch Việt Nam chị đã bày biện mâm ngũ quả và thắp hương cúng các món ăn truyền thống của Việt Nam như giò, nem, bánh chưng. Đến thời khắc giao thừa thì gọi điện, nhắn tin về chúc mừng bạn bè, người thân ở Việt Nam và các anh chị đồng hương đang sinh sống ở nước ngoài. Vào những ngày lễ, tết hay dịp đặc biệt mẹ con chị Hải thường mặc áo dài truyền thống Việt Nam. Chị coi đây là dịp để dạy con mình hiểu hơn về ý nghĩa việc gìn giữ phong tục văn hóa Việt nơi xứ người.

Sau mỗi chuyến về nước chị Hải luôn mang theo sang Hà Lan những món quà đậm hương vị Tây Bắc, như măng khô, mộc nhĩ, chẩm chéo làm quà tặng cho bạn bè. Đặc biệt gia đình chồng chị dù là người Hà Lan nhưng rất thích đặc sản nổi tiếng của Điện Biên là rượu sâu chít và món thịt trâu gác bếp thơm cay. Điều khiến chị vô cùng cảm động là bố mẹ chồng chị người Hà Lan rất yêu văn hóa Việt Nam. Tích cực tham gia hoạt động văn hóa ở các câu lạc bộ của người Việt, chị Hải cho con đi học thêm tiếng Việt và bản thân chị cũng làm giáo viên phụ trong các lớp dạy tiếng cho cộng đồng người Việt bên đó.

Chị Hải với tà áo dài truyền thống.

Dù các con không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng trong nhà chị nếp sinh hoạt vẫn đậm nét văn hóa Việt. Các con rất thích cơm, bún phở mẹ nấu. Đặc biệt Việt Hà, cậu con trai út của chị rất thích mặc áo dài và biết hát nhiều bài tiếng Việt.

Chị Hải bảo vào những ngày tết đặc biệt này ở Amsterdam tuyết rơi nghe những bài hát xuân và hình ảnh bạn bè trên facebook rộn ràng đón tết, đi chùa đầu năm làm chị càng thêm nhớ quê hương, càng thêm yêu thương và quyết tâm gìn giữ văn hóa cội nguồn.

An Biên

Mong một năm mới bình an

Hà Mỹ Ngọc - cựu học sinh chuyên Toán K17, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn TP. Điện Biên Phủ khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi sở hữu bảng thành tích ‘khủng” với nhiều giải thưởng: Giải Khuyến khích Viết thư quốc tế UPU lần thứ 42; giải Ba môn Toán học sinh giỏi quốc gia năm học 2013 - 2014; giải Ba cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp thảo dược 2018 của Đại học Dược Hà Nội; sinh viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động ngoại khóa giai đoạn 2015 - 2020... Nữ sinh cho biết cô đã có những năm học đáng nhớ khi tham gia các cuộc thi. Cảm thấy may mắn vì trong 5 năm học đại học được gặp những thầy cô hướng dẫn, cố vấn rất tâm huyết, đã giúp mình xác định hướng đi và cho mình động lực lớn trong tương lai

Với mong muốn được tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế tác dụng của các loại thuốc nên hoàn thành chương trình đại học, Hà Mỹ Ngọc tiếp tục học thạc sĩ tại Đại học Paris - Saclay (Pháp), chuyên ngành Dược lý sau khi giành học bổng Master 2 của Đại sứ quán Pháp. Ngành học này tương đối khó, kể cả với các sinh viên nam. Chính vì vậy cô coi đây là bước ngoặt quan trọng trên con đường sự nghiệp của mình.

Tuy sang Pháp đã hơn 1 năm nhưng vì dịch bệnh Covid-19 nên phần lớn thời gian phải học online. Quá trình tìm công việc thực tập cũng khó khăn hơn vì các phòng nghiên cứu phải cắt giảm nhân lực, nhưng đây cũng là cơ hội giúp nữ du học sinh này nâng cao tính kỉ luật và khả năng vượt qua khó khăn của bản thân.

Điều khó khăn nhất Hà Mỹ Ngọc nhận ra là rào cản về ngôn ngữ và văn hóa nước bạn. Tuy đã học tiếng Pháp từ trước nhưng thời gian đầu hầu như em không bắt kịp được tốc độ nói chuyện của người bản xứ. Nhiều bạn bè Việt Nam của em đang học tập tại Pháp cũng gặp vấn đề tương tự. Vì thế em cố gắng luyện tập nghe và nói tiếng Pháp mọi lúc có thể. Trong công việc thì sử dụng xen kẽ thêm tiếng Anh khi cần trao đổi nhanh. Đồng thời trau dồi thêm kỹ năng làm việc nhóm và tích cực giao tiếp nhiều hơn. Học ở nước ngoài với nền văn hóa đề cao tính cá nhân, đòi hỏi tính tự lập cao, dần dần em học được cách đưa ra quan điểm cá nhân, cân bằng và tự chủ hơn trong cuộc sống. Em thực sự cảm thấy thích môi trường học tập ở đây. Đặc biệt ấn tượng với trường học được trang bị cơ sở vật chất tốt, hiện đại. Xa quê nên em càng cảm thấy thấm hơn về những giá trị cội nguồn của dân tộc và tự hào hơn về truyền thống văn hóa đất nước mình, Ngọc tâm sự.

Nữ du học sinh Pháp mong ước một năm mới mạnh khỏe, bình an với mọi người.

Thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm du học với các bạn trẻ, Ngọc còn hỗ trợ và giúp đỡ nhiều du học sinh mới từ trong nước sang Pháp học tập. Môi trường quốc tế tạo cho em rất nhiều cơ hội học tập từ các bạn sinh viên đến giảng viên và nhiều mối quan hệ xã hội khác.

Cô sinh viên có khuôn mặt bầu bĩnh và nụ cười tươi tắn kể về cái tết đầu tiên xa nhà. Ngọc háo hức mong trải nghiệm đón giao thừa ở nơi xứ người ra sao. Nhưng giữa tiết trời buốt giá lại thèm vô cùng cảm giác thương yêu ấm áp của giao thừa bên gia đình. Nhớ chợ hoa rực rỡ ở ngã tư đường 15m, lúc cả nhà tất bật lo dọn dẹp nhà cửa đón tết, bữa cơm tất niên ấm cúng chiều 30, mùi hương trầm phảng phất trên ban thờ sáng sớm mùng 1…

Chia sẻ về điều ước trong năm mới 2022, Hà Mỹ Ngọc bày tỏ: Em mong muốn sẽ có một năm mới bình an. Mong dịch bệnh sớm qua đi để mọi người quay trở lại với cuộc sống bình thường”.

Việt Đức

Tuổi trẻ hãy thử sức với mọi cơ hội

Khi được hỏi có điều gì nhắn nhủ tới các bạn trẻ cũng đang ấp ủ giấc mơ đi du học, từ Đại học tổng hợp Palermo tận nước Ý xa xôi, Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ: Sau hơn 5 năm sống và học tập ở nước ngoài, em thấy tuổi trẻ có một điều quý giá nhất là thời gian. Hãy cứ thử sức với mọi cơ hội. Nếu cơ hội không đến thì hãy chủ động đi tìm. Kể cả vấp ngã hay làm sai, vẫn có thể làm lại vì bất cứ lý do nào.

Năng động, tràn đầy nhiệt huyết với nụ cười luôn trên môi là cảm nhận của bất cứ ai từng gặp Nguyễn Thị Thanh Tâm, cựu học sinh chuyên Lý của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn TP. Điện Biên Phủ nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với học ngoại ngữ và ước mơ đi nhiều nơi khám phá những vùng đất mới. Tốt nghiệp phổ thông, Tâm chọn học chuyên ngành tiếng Ý - ngôn ngữ còn ít người theo học của Trường Đại học Hà Nội, một môi trường nổi tiếng về đào tạo ngôn ngữ ở nước ta. Sau năm thứ nhất Khoa Tiếng Ý, Tâm có cơ hội sang học tiếp tiếng Ý chuyên sâu tại chính đất nước của ngôn ngữ này, theo chương trình trao đổi giữa Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học tổng hợp Palermo, Italy.

Tâm nói: May mắn là từ trước đến nay, mọi lựa chọn học hành, sự nghiệp của mình đều dựa trên quyết định và sở thích của bản thân. Mình thấy, đối với nhiều người, vào đại học và chọn ngành học là một bước đi quá khó khăn trong cuộc đời. Trong khi, nên đơn giản thành việc hiểu khả năng, sở thích của bản thân và cố gắng nhiều nhất có thể để đạt điều mong muốn. Học tập tại Ý, mỗi năm tham gia từ 1 đến 2 dự án tại các quốc gia, thành phố khác nhau thuộc châu Âu. Sống ở một đất nước xa lạ, ẩm thực ở đây cũng hoàn toàn khác Việt Nam. Người Ý quen ăn sáng với cà phê và đồ ngọt, không có đồ mặn như xôi sáng, bún phở, bánh cuốn như ở Việt Nam.

Thành phố mình sinh sống chỉ có khoảng 30 du học sinh người Việt. Nên nguyên liệu nấu đồ ăn Việt khá khó tìm hoặc đắt đỏ, đồ ăn Tây Bắc lại càng khó. Nhiều khi, nhớ những món ăn Việt Nam, mình và vài bạn du học sinh khác thường cùng nhau nấu một vài món đơn giản như thịt kho tàu, canh xương rau củ, lẩu... Đôi khi vì quá nhớ món ăn Việt mà không có sẵn dụng cụ nấu nướng, mình và các bạn sáng tạo làm giò bằng chai nhựa hay tráng bánh cuốn bằng chảo...

Nguyễn Thị Thanh Tâm (thứ 3 từ phải sang) và các bạn tình nguyện viên tham gia hoạt động vì môi trường của tổ chức Uniamoci Onlus.

Có lần về Việt Nam, Tâm mang hạt dổi từ Tây Bắc sang cho các bạn du học sinh bên ấy ăn thử, và mọi người đều cảm thấy thích thú. Trong các chương trình bữa tối đa quốc gia có yêu cầu mỗi người sẽ chuẩn bị một vài món đặc trưng của đất nước mình để các bạn nước khác ăn thử. Đại diện cho Việt Nam, Tâm thường chọn món nem rán để giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

Ở Ý đã hơn 5 năm, nhưng chưa bao giờ Tâm về quê ăn tết, vì tết Việt thường trùng thời gian thi cuối kỳ ở Ý. Cũng vì thế các du học sinh Việt Nam ở đây thường dành một ngày trọn vẹn cùng nhau đón tết. Họ thuê địa điểm, tập trung lại cùng nấu những món ăn truyền thống như: Giò, nem rán, gà luộc, rau củ luộc... Ngoài ngày tết, cứ 1 - 2 năm có một ngày hội đặc biệt, tụ hội phần lớn các du học sinh Việt từ các nơi khác nhau tại một thành phố ở Ý - Ngày hội sinh viên Việt Nam tại Italy. Tại ngày hội, các hoạt động văn hóa truyền thống được các du học sinh Việt tái hiện lại, như hát, múa dân gian, thi giải bóng đá, triển lãm tranh và đồ truyền thống Việt Nam, giới thiệu ẩm thực Việt Nam tới các nước bạn...

Đam mê với các hoạt động xã hội, ngoài làm tình nguyện viên cho Medici Senza Frontiere - một tổ chức phi chính phủ về y tế nhân đạo quốc tế và Uniamoci Onlus - một tổ chức phi lợi nhuận của địa phương đem đến cơ hội cho những người khuyết tật, Thanh Tâm cũng từng là phó chủ tịch mảng quản lý nhân sự của AIESEC Palermo - tổ chức quốc tế dành cho thanh niên, phi chính phủ và phi lợi nhuận, cung cấp cho những người trẻ sự phát triển về khả năng lãnh đạo, môi trường đa văn hóa. Và hiện đang làm tại vị trí thực tập sinh cho một tổ chức phi chính phủ tại Palermo về nhân quyền, thường phải hợp tác với các tổ chức tại ở nhiều quốc gia khác trong châu Âu.

Bình Nguyên

Bình luận

Tin khác

Back To Top