Góp phần xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, an toàn

13:44 - Thứ Tư, 09/02/2022 Lượt xem: 3704 In bài viết

Trong chín ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua (từ ngày 29/1 đến 6/2), toàn quốc đã xảy ra 216 vụ tai nạn giao thông (riêng đường bộ 214 vụ), làm chết 121 người, bị thương 138 người.

Người tham gia chấp hành hành tín hiệu đèn giao thông là thể hiện văn hóa giao thông. (Ảnh: Ủy ban ATGT quốc gia)

So cùng kỳ năm 2021, Tết năm nay giảm 17 vụ (7,3%), giảm 14 người chết (10,4%), giảm 29 người bị thương (17,4%). Số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương ngày càng giảm đi rõ rệt. Có được điều này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm giảm tai nạn giao thông một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện; người tham gia giao thông có ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hình thành văn hóa giao thông an toàn...

Để tiếp tục phát huy tinh thần nêu trên, mới đây, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu đề xuất Chính phủ những dự án luật nhằm hoàn thiện hơn nữa toàn bộ hệ thống giao thông của đất nước. Bộ Công an đã có báo cáo gửi Chính phủ về sự cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật gồm: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Cụ thể như: vấn đề an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn tới việc không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung như: giải quyết tai nạn giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự, sự kiện trên tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông…

Bên cạnh đó, tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém, giao thông hỗn hợp, mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội. Các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ diễn biến hết sức phức tạp, trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các quy định cụ thể về phát triển phương tiện để bảo đảm đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam. Qua học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, Bộ Công an nhận thấy, không có quốc gia nào ban hành luật giao thông đường bộ bao gồm cả ba lĩnh vực an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ mà đều tách riêng để thuận tiện trong quản lý nhà nước.

Mặc dù Bộ Công an đã chỉ ra nhiều lý do mang tính cấp thiết để tách luật, nhưng vẫn có một số ý kiến băn khoăn cho rằng, không nên tách thành hai luật vì trong thực tế, nếu tách thành hai luật, Luật Đường bộ sẽ không bao quát hết các vấn đề của đường bộ. Tương tự, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng không bảo đảm nội hàm của luật này. Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong tình hình mới hiện nay, việc tách luật là tất yếu. Luật Trật tự an toàn giao thông xoay quanh mục tiêu bảo đảm cho người tham gia giao thông được an toàn; chuyên sâu hóa các yếu tố xoay quanh an toàn giao thông như: người, phương tiện và quy tắc giao thông... Còn Luật Đường bộ có mục tiêu cơ bản là phát triển hệ thống đường bộ hoàn thiện, có các thiết chế đáp ứng được yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ. Ngoài ra, một vấn đề khi tách luật gây ra nhiều ý kiến trái chiều đó là: nội dung chuyển giao chức năng quản lý nhà nước và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Quan điểm từ nhiều Sở giao thông vận tải các địa phương cũng như Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, không nên chuyển chức năng này từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Bởi lẽ, giấy phép lái xe của Việt Nam hiện đã được nhiều nước trên thế giới công nhận và Việt Nam cũng đã cấp giấy phép lái xe quốc tế. Việc đổi giấy phép lái xe cũng đã tiên phong thực hiện dịch vụ công cấp độ bốn được người dân đánh giá cao. Bên cạnh đó, hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đều do dân sự quản lý.

Tuy nhiên, theo ý kiến từ Bộ Công an, tại dự thảo của Bộ Công an trình Chính phủ không xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe riêng, mà xác định xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này. Xác định đào tạo và sát hạch lái xe là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật đầu tư, nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các cơ sở đào tạo. Trường hợp Quốc hội thông qua và ban hành luật, việc giao Bộ nào quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc về thẩm quyền của Chính phủ.

Trước thực tế nêu trên, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục xem xét kỹ các nội dung để thống nhất trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Tăng cường, làm rõ yếu tố tác động đến việc cần thiết phải tách luật. Tăng cường tuyên truyền các nội dung mới trong dự thảo luật để người dân nắm bắt, đóng góp ý kiến. Bảo đảm khi luật được ban hành phải dễ hiểu, dễ thực thi, vừa bảo đảm an toàn giao thông vừa tạo ra những đột phá, cải tiến về mặt thủ tục hành chính, tạo ra hệ thống giao thông hiện đại với những tiện ích thông minh, tránh rườm rà, gây phiền hà cho người dân.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top