Từ bản làng đến giảng đường “viết tương lai”

08:17 - Thứ Sáu, 18/02/2022 Lượt xem: 5889 In bài viết

ĐBP - “Con gái học cao làm gì”, “con gái học nhiều rồi về khó lấy chồng”... Đây là những suy nghĩ lạc hậu vẫn còn tồn tại ở nhiều bản làng vùng cao trên địa bàn tỉnh ta; là rào cản tới trường, theo đuổi ước mơ của bao học sinh nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Vượt lên những định kiến đó, nhiều em đã nỗ lực cố gắng, cùng sự ủng hộ của gia đình, thầy cô, thành công vươn ra khỏi những dãy núi, ngọn đồi che tầm mắt, để đến với giảng đường đại học, tự mình kiến tạo tương lai.

Sùng Thị Dì, sinh viên năm nhất Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hướng dẫn em học bài.

Bản khó, không ngăn bước đến trường

Bản Chan 1, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng chỉ cách trung tâm xã hơn 10km nhưng để đến bản lại khó khăn. Nơi đây chưa có sóng điện thoại, chưa điện lưới quốc gia. Trong ngôi nhà cuối bản của vợ chồng ông Lý A Dia, cũng chỉ le lói ánh đèn pin nhưng gương mặt mừng vui, rạng rỡ của cả gia đình như thắp sáng cả triền núi. Bởi sau tết Nguyên đán, con gái đầu Lý Thị Vi xuống trường học đại học - em là nữ sinh viên đầu tiên của bản vùng cao này. Vi đỗ ngành Sư phạm Mầm non, Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Trong khi nhiều học sinh nữ dân tộc Mông trong vùng sớm bỏ học lấy chồng, ở nhà làm nương, thì việc Vi đi học xa là điều lạ ở bản, với không ít ý kiến trái chiều. Ông Lý A Dia tâm sự: “Nhiều người trong bản bảo cho con gái đi học cao làm gì, đến bao giờ lấy chồng, học về có lấy được chồng không. Nhưng tôi nghĩ sau này cháu đi học, đi làm sẽ quen biết thêm nhiều người; có kiến thức sẽ tự biết lựa chọn tương lai và tìm người phù hợp. Tôi phải cho con học đến nơi đến chốn để thoát khỏi đói nghèo”.

Được sự ủng hộ ấy của gia đình, sau khi trúng tuyển đại học, trường tổ chức học online do dịch bệnh, Vi xuống thị trấn Mường Ảng thuê phòng trọ để “bắt sóng” học trên điện thoại. “Nhiều người bạn của em muốn đi học nhưng gia đình không tạo điều kiện, nên em càng cảm thấy trân trọng cơ hội được đến trường. Vì thế em luôn chuyên tâm học tập tốt, cố gắng sau này có công việc, để bố mẹ không phải lo lắng”. Ngày 9/2, sau khi trường mở cửa học trực tiếp trở lại, Lý Thị Vi, một mình lên xe khách xuống trường. Đến nơi, em được nhà trường sắp xếp cùng một số sinh viên khác tự theo dõi sức khỏe tại phòng kí túc xá. Thời gian này, Vi tập trung ôn luyện, chuẩn bị cho thi cuối kỳ. “Ban đầu lên xe, em rất lo lắng vì đây là lần đầu tiên em đi xa đến thế. Xuống đến nơi, mọi thứ đều lạ lẫm, rộng lớn, nhưng có thầy cô giúp đỡ và các bạn cùng phòng thân thiện nên em đã dần hòa nhập. Từ nhỏ em đã đi học bán trú, nội trú nên có phần tự lập. Sau khi học ổn định, quen môi trường mới em sẽ tìm việc làm thêm phù hợp để vơi bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ mà vẫn đảm bảo việc học” - Vi chia sẻ dự định.

Không từ bỏ ước mơ

Cũng như Lý Thị Vi, Sùng Thị Dì là nữ tân sinh viên đến từ bản vùng cao Đề Dê Hu, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa - nơi mà nhiều học sinh sớm bỏ dở sách vở để lấy chồng, sinh con từ bậc THCS, THPT. Chính Dì cũng đã từng phải nghỉ học giữa chừng, ước mơ đến trường tưởng chừng đã khép lại bởi những biến cố trong cuộc sống. Năm Dì học lớp 7, bố mẹ ly hôn, em về ở cùng ông bà và chú dì. Hơn 1 năm sau, ông mất, Dì đành nghỉ học, phụ giúp việc nhà. Dì kể lại: “Bố mẹ em mải lo gia đình riêng, không có ý kiến gì. Còn họ hàng thì bảo em nghỉ học ở nhà làm nương, làm ruộng. Em buộc phải nghỉ, nhưng vẫn nuôi hy vọng đi học tiếp”.

Biết hoàn cảnh của em, nhà trường cùng một tổ chức hoạt động tại địa bàn đến động viên gia đình cho Dì tiếp tục đến trường, đồng thời cam kết hỗ trợ, đồng hành trong suốt những năm học tiếp theo. Sau nhiều lần vận động, bố Dì mới đón em về ở cùng, cho em đi học lại. Hiểu rõ hoàn cảnh, giá trị của những ngày được đến trường, Dì đã nỗ lực cố gắng trong học tập. Hàng tháng, ngoài đồ dùng học tập được hỗ trợ (cho đến khi học hết phổ thông), thì toàn bộ chi phí phát sinh cho việc học đều do Dì tích góp từ tiền học bổng mà em cố gắng đạt được. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm ấy, Dì đã đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, viết tiếp ước mơ.

“Đường xa xôi cách trở mấy, gia đình khó khăn mấy em cũng cố gắng vượt qua được. Nhưng điều khiến em bận lòng nhất là những tư tưởng cổ hủ của nhiều người trong bản. Từ bé đến lớn, điều em nghe nhiều nhất không phải những lời động viên mà là câu nói “con gái thì học cao làm gì”. Nếu như không có những điểm tựa thì có lẽ con đường đến với cánh cổng trường đại học đã khép lại khi em mới chỉ học lớp 8…” - Sùng Thị Dì bộc bạch.

Việc học ở vùng cao vốn đã nhiều khó khăn, đối với học sinh nữ đồng bào dân tộc thiếu số lại càng nhiều cản trở hơn. Lý Thị Vi và Sùng Thị Dì chỉ là 2 trong số rất nhiều nữ sinh đã vượt lên những định kiến để theo đuổi con chữ. Việc đỗ đại học không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là minh chứng rằng con gái hay con trai đều có thể học giỏi, học cao, phấn đấu vì những mục tiêu cuộc sống. Chưa biết các em của ngày sau sẽ như thế nào, nhưng dám vươn ra khỏi bản làng, bước vào cánh cổng đại học thực hiện ước mơ, thì các em chắc chắn sẽ có tri thức, trải nghiệm và tương lai rộng mở.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top