Rào cản trong công tác giảm nghèo

14:13 - Thứ Sáu, 18/02/2022 Lượt xem: 5435 In bài viết

ĐBP - Trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bên cạnh những hộ nghèo nỗ lực vượt khó vẫn còn những hộ lười lao động, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và không muốn thoát nghèo, thậm chí có người còn có nguyện vọng xin vào hộ nghèo. Đây là những rào cản khiến công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa hướng dẫn người dân thôn Đông Phi và Háng Sáng (thị trấn Tủa Chùa) về quy trình kỹ thuật làm chuồng trại và chăm sóc, phòng trị bệnh cho trâu bò.

Háng Sáng là thôn mục tiêu trong công tác giảm nghèo của thị trấn Tủa Chùa. Đây là một thôn vùng cao của xã Mường Báng mới được sáp nhập vào thị trấn cách đây vài năm. Cuộc sống người dân ở thôn Háng Sáng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ nghèo. Cái nghèo ở Háng Sáng không đơn thuần là nghèo về vật chất, thu nhập mà còn “nghèo” về tư tưởng, ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình ông Giàng A Vàng là hộ có điều kiện kinh tế ở mức trung bình so với mặt bằng chung ở thôn Háng Sáng. Gia đình ông Vàng có diện tích đất để trồng trọt và phát triển chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, đợt bình xét hộ nghèo vừa qua, ông Giàng A Vàng lại trình bày nguyện vọng với cả thôn để xin được vào hộ nghèo. Được biết, trước đây ông Vàng là công an viên của thôn, hàng tháng được hưởng phụ cấp. Khi không còn chính sách chi trả cho chức vụ công an viên thôn, bản, ông Vàng mất đi khoản thu nhập. Mục đích của ông Vàng khi xin vào hộ nghèo là để tiếp tục được hưởng trợ cấp của Nhà nước.

Ông Thào A Chư, Trưởng thôn Háng Sáng cho biết: "Sau khi xem xét nguyện vọng và rà soát các tiêu chí bình xét hộ nghèo, gia đình ông Giàng A Vàng đã được các hộ trong thôn bình xét là hộ cận nghèo".

“Tôi năm nay gần 40 tuổi nhưng đã có gần 20 năm giữ các chức danh chủ chốt trong thôn. Tôi có gần 10 năm làm Bí thư đoàn, từng làm thôn đội trưởng và có 10 năm làm Trưởng thôn, tôi vừa mới nghỉ năm 2021”. - Đó là lời giới thiệu đầy tự hào của người đàn ông cũng tên là Thào A Chư, thôn Háng Sáng khi tiếp chuyện chúng tôi. Những tưởng đây là một công dân trẻ, năng động, nhiệt huyết nhưng khi trao đổi về công tác giảm nghèo thì những quan điểm và câu trả lời của anh Chư khiến chúng tôi hụt hẫng.

Anh Thào A Chư nói: “Cuộc sống người dân Háng Sáng khó khăn lắm. Ai cũng muốn được là hộ nghèo. Đơn cử như tôi, gần 20 năm làm cán bộ thôn nên không được xét hộ nghèo, nhưng nay không làm cán bộ nữa tôi cũng có nguyện vọng được vào hộ nghèo. Hiện nay, nhà tôi có 3 đứa con đang tuổi ăn học, đứa lớn năm nay học lớp 9, đứa nhỏ nhất cũng chuẩn bị vào cấp tiểu học. Nếu được vào hộ nghèo, con cái đi học sẽ được Nhà nước hỗ trợ sách vở, cặp bút… Gia đình đỡ một khoản chi phí”. 

Chia sẻ câu chuyện buồn ở Háng Sáng với ông Phùng Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tủa Chùa, ông Quảng cho biết: Hàng năm, UBND thị trấn đã triển khai các chính sách về giảm nghèo; tổ chức các lớp đào tạo nghề và kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động người dân vươn lên trong cuộc sống, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đã hằn sâu trong suy nghĩ đến hành động của một số người, nhất là tại các thôn vùng cao, khó khăn như Háng Sáng. Đây là rào cản lớn nhất trong công tác giảm nghèo song muốn thay đổi được tư tưởng này là cả một quá trình và mất nhiều thời gian. Thời gian tới, UBND thị trấn Tủa Chùa tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phong trào thi đua lao động sản xuất để người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, nếp làm, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, UBND thị trấn sẽ siết chặt, thực hiện nghiêm công tác rà soát, bình xét hộ nghèo hàng năm, những hộ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mới được bình xét hộ nghèo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin - cho” vào hộ nghèo.

Thực tế, thời gian qua những chính sách hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, một số người nghèo còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Xác định được thực trạng này và từng bước chữa “bệnh” thích nghèo, những năm gần đây tỉnh ta đã đổi mới cách thức hỗ trợ người nghèo. Theo đó, các chính sách giảm nghèo hạn chế việc hỗ trợ thẳng, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm để người dân trực tiếp lao động, tạo ra thu nhập, từ đó ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Những chủ trương, chính sách bước đầu đã phát huy hiệu quả, từng bước đi vào cuộc sống có thể kể đến như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; liên kết với các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoại tỉnh để giải quyết việc làm cho người lao động… Hoặc triển khai hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với nhiều dự án như: Trồng cây mắc ca; trồng cây ăn quả tập trung, từ đó tạo việc làm cho người dân, góp phần từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển các dự án phát triển đô thị, du lịch, nông nghiệp… qua đó tạo việc làm, tạo thu nhập.

Để thoát nghèo bền vững cốt lõi vẫn là ý thức tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo. Còn các chính sách hỗ trợ khác chỉ là đòn bẩy, tạo thêm điều kiện để hộ nghèo thoát nghèo nhanh và chống tái nghèo. Chính vì vậy, mỗi người nghèo, hộ nghèo cần phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thay vào đó là cố gắng lao động, sản xuất, phát triển kinh tế tạo ra thu nhập, nâng cao mức sống. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường công tác nêu gương các điển hình tiên tiến về thoát nghèo để tạo thông điệp tích cực trong công tác giảm nghèo. Đồng thời nghiêm túc phê bình những hộ không muốn thoát nghèo.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top