Thành phố Điện Biên Phủ phấn đấu năm 2025 đạt đô thị loại II

08:53 - Thứ Hai, 21/02/2022 Lượt xem: 6568 In bài viết

ĐBP - Hiện nay TP. Điện Biên Phủ có 12 đơn vị hành chính (gồm 7 phường, 5 xã), với tổng diện tích hơn 308km2, dân số 80.366 người. Hạ tầng đô thị được xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, đời sống của người dân ngày một nâng cao. Tỉnh, thành phố đang tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cấp, xây dựng tạo cảnh quan đô thị, phấn đấu đến năm 2025 được công nhận đô thị loại II.

Một góc TP. Điện Biên Phủ hiện nay.

Theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị thì để đạt được đô thị loại II, TP. Điện Biên Phủ cần phải đáp ứng được 5 tiêu chí lớn: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. Hiện nay, khó khăn, vướng mắc lớn nhất của thành phố để được công nhận đô thị loại II là tiêu chí quy mô và mật độ dân số.

Về quy mô dân số, đến năm 2021 quy mô dân số toàn đô thị mới đạt gần 92 nghìn người, trong khi theo tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại II phải đạt 140 nghìn người; dân số nội thị mới đạt 66.730 người so với 70 nghìn người theo quy định. Đối với tiêu chí mật độ dân số mới đạt 260 người/km2, trong khi theo quy định phải đạt 1.800 người/km2; mật độ dân số trên diện tích đất xây dựng mới đạt 7.076/8.000 người/km2. Đây là 2 tiêu chí đang bị điểm liệt, gây khó khăn trong nhiệm vụ xây dựng đô thị loại II. Ngoài ra còn một số chỉ tiêu thuộc 5 tiêu chí lớn cũng chưa đạt yêu cầu, như: Chỉ tiêu cân đối thu chi ngân sách; tỷ lệ tăng dân số hàng năm (bao gồm tăng dân số tự nhiên và cơ học); mật độ đường giao thông (tính đường có chiều rộng phần xe chạy lớn hơn hoặc bằng 7,5m); tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh; nhà tang lễ.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, TP. Điện Biên Phủ được công nhận đô thị loại II, với tổng số điểm 88,25/100 điểm; trong đó, tiêu chí chức năng, vai trò, cơ cấu, trình độ phát triển đạt 18/20 điểm; quy mô dân số đạt 6/8 điểm; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 6/6 điểm; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đạt 58,25/60 điểm… Để đạt được mục tiêu đề ra, đối với các tiêu chí chưa hoàn thành là quy mô dân số và mật độ dân số, thành phố đề ra giải pháp chủ yếu, như: Tốc độ tăng dân số (tự nhiên và cơ học) lớn hơn hoặc bằng 1,4%/năm, trong đó đẩy mạnh tăng dân số cơ học, phấn đấu quy mô dân số toàn đô thị đến năm 2025 đạt 140 nghìn dân, trong đó dân số nội thành đạt 70 nghìn dân. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế vùng trọng tâm, với hướng phát triển chủ yếu là thương mại, dịch vụ; xây dựng quy hoạch đô thị mới, khu dân cư tập trung trong khu vực nội thành để thu hút dân cư, phấn đấu đến năm 2025 mật độ dân số toàn đô thị đạt trên 454 người/km2, mật độ dân số nội thành đạt 8.000 người/km2.

Trong đề án phát triển TP. Điện Biên Phủ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra một số giải pháp thực hiện, như: Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý đầu tư; tích cực khai thác các tiềm năng, lợi thế, phát huy nội lực trong nhân dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế để triển khai các dự án, các khu đô thị, khu dân cư mới theo định hướng quy hoạch. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 TP. Điện Biên Phủ cần hơn 11,7 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án, như: Nghiên cứu rà soát quy hoạch chung TP. Điện Biên Phủ theo ranh giới hành chính mở rộng mới. Thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng: Khu đô thị, thương mại, dịch vụ, văn hóa phía đông thành phố (khu C); sân golf; biệt thự nghỉ dưỡng, dịch vụ; dự án khách sạn 3 - 5 sao, nhà ở dọc quốc lộ 12. Cùng với đó, tăng cường đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, như: Chợ, siêu thị, nhà hàng, cơ sở dịch vụ… Huy động mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, tập trung công tác quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, khai thác nguồn lực đầu tư từ đất để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời hoàn chỉnh quy hoạch các phân khu, xây dựng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu vực đô thị mới. Triển khai xây dựng các phân khu, như: Phân khu đa chức năng dọc trục đường 60m; phân khu trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa; khu trung tâm hiện hữu thành phố và phân khu phía Bắc gắn với Cảng Hàng không Điện Biên…

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top