Trên sóng nước Tủa Thàng

10:05 - Thứ Bảy, 26/02/2022 Lượt xem: 6808 In bài viết

1. Chiếc thuyền sắt động cơ hơn 20 mã lực cắt một đường vòng cung rời bến Huổi Trẳng tiến ra giữa sông Đà. Phía sau, từng luồng sóng vỗ ì oạp vào những lồng bè nuôi cá của người dân Tủa Thàng. Trên bến, mấy chiếc xe tải chở vật liệu nối nhau xuống “ăn hàng” từ một chiếc tàu chở cát xây dựng.

Mênh mông sông nước khu vực xã Tủa Thàng.

Con thuyền nhẹ tải lướt băng băng trên mặt sông. Gió lồng lộng. Thật khó hình dung được hàng chục mét dưới mênh mông sóng nước này đã từng có những ruộng, vườn, ao cá của người dân sống ven sông trước kia. Hai bên bờ, những vạt rừng cuối đông thẫm màu, chỗ xỉn đỏ, chỗ xám xịt, nhiều nơi cây trụi hết lá, toàn thân trơ cành khẳng khiu soi bóng xuống mặt sông.

“Từ Tủa Thàng đi Quỳnh Nhai khoảng 3 tiếng đồng hồ”  - Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng, Giàng A Sang “hét” bên tai tôi trong tiếng máy giòn đanh. Với tiếng nổ của chiếc đầu máy diesel thì nói chuyện mà như quát nhau vậy. “Hôm nay ngày thường nên ít thuyền. Vào dịp chợ phiên hay mùa sản xuất thì nhiều thuyền hơn. Bên tay phải là đất Tủa Thàng, khu vực này thuộc thôn Phi Giàng 2. Còn phía bờ đối diện bên kia là xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu” - anh Sang tiếp tục “hét” với tôi.

Sau khi hồ thủy điện Sơn La tích nước, sông Đà chảy qua Tủa Thàng mở rộng hai bờ, không còn thác ghềnh, mặt nước yên ả. Đang mùa nước dâng nên mặt sông càng rộng thêm, xanh thẳm. Sông rộng, nước sâu, sóng lặng tạo điều kiện cho người dân ven sông Đà vốn quen chài lưới để mưu sinh trước kia những năm gần đây có thêm nghề nuôi cá lồng trên sông. “Xã Tủa Thàng có khoảng 12ha mặt nước. Những người làm nghề đánh cá thì vẫn duy trì. Năm 2021, sản lượng đánh bắt thủy sản trên sông Đà đạt khoảng 35 tấn” - Chủ tịch xã Giàng A Sang cho biết.

“Bà con nuôi cá lồng tốt không?” - tôi hỏi.

“Trên mặt sông Đà có 38 hộ dân trong xã nuôi cá lồng. Hộ khá thu nhập mỗi năm khoảng vài chục triệu đồng. Ngoài nuôi cá nhiều người còn đầu tư đóng thuyền làm dịch vụ” - nói đoạn anh Sang chỉ tay vào người lái thuyền: “Như anh Yến đây này, làm dịch vụ cũng khá giả đấy!”.

Hỏi chuyện được biết Lò Văn Yến là tay lái thuyền kỳ cựu của xã. Chiếc thuyền chúng tôi đang ngồi là một trong những thuyền lớn nhất ở Huổi Trẳng. Anh Yến chở hàng hóa, nông sản, chở người qua sông, phí chở thuê từ vài chục nghìn trở lên một lượt tùy số lượng người hoặc trọng lượng hàng hóa và quãng đường dài, ngắn.  “Ai thuê gì thì mình chở đấy. Mình chưa giàu đâu, cũng bình thường thôi!” - anh Yến cười khiêm tốn.

2. Người lái thuyền giảm tốc độ, bẻ lái đưa thuyền vào một vụng nước. Chiếc thuyền chầm chậm cập bờ, ngay trước mép sân một ngôi nhà nhỏ nhắn. Một tốp phụ nữ và trẻ em đang ngồi nhặt rau cải. Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Trang A Dơ, thôn Phi Giàng 2. 20 năm sống gần sông, ông Dơ quen thuộc từng kỳ lên - xuống của con nước sông Đà. “Trước kia, khi chưa làm thủy điện, từ nhà tôi xuống đến sông gần 1km cơ. Bây giờ thì nước cập bờ sân rồi!” - ông Dơ kể với chúng tôi.

Ở xa trung tâm, xa bản như này việc mua bán hàng hóa, đồ dùng có khó không chú? - Tôi hỏi. Ông Dơ cười sảng khoái: “Không khó đâu cháu ơi. Thuyền của người Quỳnh Nhai bán các loại hàng hóa thường xuyên qua lại. Mình muốn mua gì thì vẫy vào bờ thôi. Với lại gần đây là xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai. Đến chợ phiên Cà Nàng thì có nhiều xe tải chở hàng hóa đến. Nhà mình có thuyền rồi, chỉ qua sông đến mua thôi! Nhưng mà phụ nữ muốn mua đồ thêu thổ cẩm thì phải sang Xá Nhè vì ở Cà Nàng chỉ bán quần áo may sẵn”.

Khám phá lòng hồ Thủy điện Sơn La, đoạn qua xã Tủa Thàng.

Chả trách nhà ông Dơ tách hẳn thôn Phi Giàng 2, xuống gần mép sông Đà. Việc đi lại, mua bán, thăm thân bằng cả 2 lộ thủy - bộ đều tiện lợi. Đi đường bộ ra xã, ra huyện thì lên bản dùng xe máy. Còn đường thủy thì với chiếc thuyền máy, đổ dầu vào là ông vô tư lên Huổi Trẳng, Huổi Só, sang Sìn Hồ hoặc xuôi Quỳnh Nhai.

Chếch bên trái sân nhà vài chục mét, con trai ông Dơ đang chuẩn bị cho cá ăn trong 4 lồng nuôi trên mặt nước sông Đà. “Năm 2020 tôi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 47 triệu đồng làm 4 lồng nuôi cá, diện tích 20m2/lồng. Lứa 1 tôi thả 1.000 con giống, khi thu hoạch bán được 25 triệu đồng. Hiện nay trong lồng đang có 3.000 con rô phi, mỗi con khoảng 2 lạng rồi!” - ông Dơ vui vẻ cho biết.

3. Đi hết địa phận xã Tủa Thàng thì chúng tôi quay thuyền về vì trời đã muộn. Phía bờ đối diện là xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Bản của xã Cà Nàng gần Tủa Thàng nhất là bản Huổi Pha, còn phía Tủa Thàng là thôn Phi Giàng 2. Một điều khá thú vị là bên kia sông Đà, đối diện với Tủa Thàng có 2 bản đều có tên Huổi Pha. Một bản của xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu); bản còn lại thuộc xã Cà Nàng, Quỳnh Nhai.

Trên đường về chúng tôi gặp những chiếc thuyền của thương nhân Quỳnh Nhai chở đầy ắp nông sản. Có thuyền lắp 2 đầu máy nổ để tăng sức đẩy. Tiếng máy giòn giã vang động một khúc sông. Tuyến đường thủy nội địa trên sông Đà thuộc huyện Tủa Chùa dài hơn 50km, qua địa bàn 3 xã: Sín Chải, Huổi Só và Tủa Thàng. Trên tuyến có bến nội địa tại thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só đã được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn, còn lại là các bến dân sinh. Bến thuyền Huổi Trẳng tuy chưa được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng song hoạt động khá tấp nập. Thuyền buôn hàng hóa, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng... của thương nhân từ Sìn Hồ, Quỳnh Nhai thường xuyên qua lại.

Đã bao đời, người dân Tủa Thàng cũng như nhiều bản ven sông khác đã biết khai thác lợi thế từ sông Đà. Từ khi dòng sông còn hung hăng, dữ tợn trước kia hay lòng hồ thủy điện êm ả bây giờ! Nuôi trồng thủy sản, thương mại trên sông, dịch vụ vận tải thuê… đã và đang giúp bà con tăng thu nhập. Hơn thế nữa, lòng hồ Thủy điện Sơn La nằm trong vùng liên kết phát triển du lịch Tây Bắc, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, đã có trong định hướng quy hoạch du lịch vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Đây là thế mạnh để trong tương lai không xa, các xã ven sông Đà nói chung, Tủa Thàng nói riêng tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn!

Nhất Nguyên
Bình luận

Tin khác

Back To Top