Những “bông hoa” cống hiến cho đời

08:26 - Thứ Năm, 03/03/2022 Lượt xem: 5008 In bài viết

ĐBP - Bằng ý chí, khát vọng dựng xây, nhiều năm trở lại đây phụ nữ vùng cao, vùng khó khăn đã và đang mạnh dạn xây dựng ý tưởng, khởi sự tương lai, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hộ gia đình... Họ đã trở thành những “bông hoa” rực rỡ góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền các cấp đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo; khẳng định thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”.

Phụ nữ dân tộc Mông huyện Tuần Giáo bày bán các sản phẩm trong hội chợ giới thiệu nông sản. Ảnh tư liệu

Từ TP. Điện Biên Phủ, vượt quãng đường gần 300km, chúng tôi có mặt tại xã biên giới Sín Thầu (huyện Mường Nhé) - nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam. Nghỉ ngơi lấy sức sau một ngày dài, sớm tinh mơ xuôi theo quốc lộ 4H, chúng tôi tìm về bản Tả Kố Khừ gặp chị Sùng Xé Pa - hội viên “phụ nữ tiêu biểu” của tỉnh. Bên bếp lửa đỏ rực, chị Pa tất tả nấu thức ăn cho đàn vật nuôi. Chị Pa tâm sự: “Tuy công việc vất vả, tất bật từ sáng đến tối, nhưng làm nhiều thành quen. Giờ mà không làm lại buồn chân, buồn tay lắm!”.

Hoàn tất công việc buổi sáng, dành cho chúng tôi ít thời gian trò chuyện trước khi lên rừng. Chị Sùng Xé Pa chia sẻ: “Không làm thì không có ăn. Sao mà Nhà nước hỗ trợ cho mình mãi được. Cái khó nhất của phụ nữ dân tộc khi khởi nghiệp là có đủ tự tin để vượt qua định kiến xã hội hay không. Bản thân mình cũng phải tự vận động, nhất là trong phát triển kinh tế, nếu mình không mạnh dạn thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, từ bỏ lối canh tác lạc hậu, cố hữu thì sao mà xóa nghèo, làm giàu được”. Nói là làm, dù “chân yếu tay mềm” nhưng chị Pa đã tích cực khai hoang, cải tạo vườn đồi, tích cực trồng trọt, xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi, đào ao thả cá. Để mô hình phát triển, Chị Pa đã lặn lội ra xã, ra huyện học hỏi cách làm, chăm sóc; tìm đọc sách về kỹ thuật, tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Đất không phụ công người, sau nhiều năm nỗ lực, chị Pa đã có trong tay 1,3ha đất trồng trọt, 1.500m2  ao nuôi nuôi trồng thủy sản, nuôi 60 con trâu, bò, dê... tích cực chăm sóc và bảo vệ 14ha rừng phòng hộ, trồng 3ha sa nhân tím. Hàng năm mô hình kinh tế này đã mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng cho gia đình chị. Không chỉ “sáng” về đức tính cần cù, chăm lo phát triển kinh tế, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, ngoài chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho chị em, chị Pa còn giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ 6 con trâu, 8 con dê giống cho 2 hộ gia đình hội viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm tư liệu sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Chia tay chị Sùng Xé Pa, chúng tôi về huyện “cửa ngõ” Tuần Giáo tìm gặp chị Lò Thị Tún, hội viên phụ nữ xã Quài Tở. Trong ngôi nhà khang trang, diện lên mình bộ trang phục dân tộc Thái truyền thống, chị Tún kể về chuyện nghề, chuyện phát triển kinh tế: Chị Tún bảo: Ngày trước, khi là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Quài Tở, gánh trên vai trọng trách quan trọng, mình đã luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, học hỏi, trau dồi kiến thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc thù là xã vùng cao, mình thường xuyên sâu sát, gần gũi chị em, tìm nguồn giúp chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình; xây dựng nhiều mô hình phù hợp với thực tiễn, tổ chức nhiều hoạt động thu hút hội viên tham gia... Tiêu biểu như: Thành lập và duy trì 3 mô hình “chi hội 5 không, 3 sạch”; nhóm “cổ phần tài chính tự quản”.

Không chỉ giỏi việc nước, sau khi nghỉ chế độ, trở về bên gia đình nhưng chị Tún vẫn luôn là tấm gương sáng về đức tính cần cù, lao động sáng tạo, là “điểm tựa” vững chắc cho chị em nghèo. Chị Tún tiếp lời: Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, nhận thấy đất đai, thổ nhưỡng có nhiều tiềm năng, mình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để cải tạo đất đồi hoang hóa trồng 15ha cây cà phê; đào 100m2 ao cá; nuôi hàng chục con lợn... Với tư duy khoa học, sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, máy móc vào thực tiễn chăn nuôi, trồng trọt, tới nay mô hình kinh tế gia đình chị đã phát triển bền vững, cho đầu ra ổn định, góp phần mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Có nguồn thu nhập cao, chị Tún còn tạo thêm việc làm khi nông nhàn cho 54 chị em, truyền thụ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, giúp hàng trăm chị em thoát khỏi hộ nghèo.

Nếu như trước đây, phụ nữ các dân tộc thiểu số thường e dè, tự ti, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào đàn ông thì nay họ đã tự tin, mạnh dạn hơn trong gây dựng sự nghiệp, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, hiện toàn tỉnh có 302 nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp; 43 nữ giám đốc hợp tác xã và hàng nghìn phụ nữ kinh doanh giỏi... Đặc biệt, ngành nghề chị em phụ nữ lựa chọn khởi nghiệp cũng đa dạng và phong phú: Sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm nghiệp; trồng cây ăn quả; du lịch cộng đồng... Đây được xem là hướng đi bền vững mà tỉnh ta đã xây dựng thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm. Cùng với đó, để phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của chị em phụ nữ, Hội LHPN các cấp đã chú trọng đổi mới, đẩy mạnh việc tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ hội viên phụ nữ hình thành các ý tưởng khởi nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các chủ trương, chính sách khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất kinh doanh; giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực về vốn vay, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu... Có thể khẳng định, với nhiều cách làm hay trong phát triển sản xuất, kinh doanh, hiện thực hóa ước vọng làm giàu của chị em phụ nữ đã mang đến “luồng gió mới” góp phần cùng với Đảng bộ và chính quyền các cấp đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân. Họ -  các mẹ, các chị xứng đáng là những “bông hoa” tươi thắm tô điểm thêm cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top