Pa Tết kỳ vọng đổi thay

10:00 - Thứ Bảy, 12/03/2022 Lượt xem: 5870 In bài viết

ĐBP - Trước đây, bản Pa Tết thuộc địa phận xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nhưng người dân lại sinh sống và canh tác trên đất xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Chính khó khăn, bất cập này dẫn đến nhiều năm qua, Pa Tết không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không đường, không điện, không trạm y tế, không sóng điện thoại. Hàng trăm hộ dân nơi đây gần như sống biệt lập với bên ngoài. Thế nhưng, Pa Tết giờ đã khác!

Một góc bản Pa Tết.

19 năm “có danh mà không phận”

Bản Pa Tết được hình thành và sinh sống, canh tác tại khu vực này từ rất lâu (trước khi thực hiện phân vạch địa giới hành chính theo Chỉ thị 364-CT ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã). Đến ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa X đã phê chuẩn việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu. Theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh là Lai Châu mới và Điện Biên. Theo phân chia địa giới hành chính, bản Pa Tết thuộc xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện phân định đường địa giới hành chính theo Chỉ thị 364-CT và Nghị quyết của Quốc hội về chia tách tỉnh Lai Châu cũ thì diện tích đất ở, đất canh tác của nhân dân bản Pa Tết, xã Tà Tổng thuộc địa giới hành chính của xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé. Vì vậy, suốt những năm qua người dân Pa Tết sinh sống, canh tác trên đất của xã Huổi Lếch. Điều này không những gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính của cả 2 xã Huổi Lếch và Tà Tổng, mà còn gây khó cho việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân bản Pa Tết.

Theo ông Vàng A Mua, Trưởng bản Pa Tết, bản thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nằm biệt lập so với các bản liền kề. Phía Bắc giáp với bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng; phía Nam giáp bản Nậm Hính 2, xã Huổi Lếch; phía Tây giáp bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch và phía Đông giáp xã Nậm Chàm huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Trong khi đường giao thông là đường mòn dân sinh duy nhất, đi lại khó khăn, chỉ sử dụng được xe máy để di chuyển trong mùa khô đến bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng để ra trung tâm xã; bản chưa có đường giao thông liên kết với bản Nậm Hính 2 và Cây Sặt, xã Huổi Lếch.

Cảnh sống “có danh không phận” không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của bà con mà còn xảy ra tranh chấp địa giới hành chính với người dân xã Huổi Lếch, nhất là những năm gần đây dân số tăng nhanh, nhu cầu đất sản xuất gia tăng; cùng với đó, khu vực này người dân được hưởng lợi tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, dẫn đến tranh chấp, thậm chí phá rừng. Theo ông Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, trước đây tình trạng tranh chấp đất đai trên địa bàn, đặc biệt là khu vực tranh chấp giữa bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch với các bản Tìa Mà Mủ, Nậm Ngà, Pa Tết, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

“Không danh chính ngôn thuận” nên suốt những năm qua, người dân bản Pa Tết gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư; y tế, giáo dục không được quan tâm nhiều. Hiện nay bản Pa Tết chỉ có 2 lớp học mầm non và 2 lớp tiểu học được làm bằng gỗ đã xuống cấp, hư hỏng; chưa có nhà văn hóa bản và điện lưới quốc gia. Hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư phục vụ tưới tiêu, sản xuất, vì vậy người dân sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên; mạng lưới thông tin, sóng điện thoại chưa phủ tới. Cả bản chỉ duy nhất được đầu tư đường nước sinh hoạt, nhưng đã xuống cấp, hư hỏng, chỉ đủ cung cấp cho khoảng 17 hộ gia đình khu vực trung tâm bản. Vì vậy, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 90%.

Chính quyền địa phương lấy ý kiến người dân bản Pa Tết chuyển về xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé.

Niềm tin và kỳ vọng

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, nhân dân bản Pa Tết đã đồng thuận chuyển về xã Huổi Lếch quản lý. Theo đó, hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu đã phối hợp tổ chức, khảo sát, hiệp thương xác định rõ đường địa giới hành chính giữa hai tỉnh. Do đường địa giới hành chính đã được phân định rõ ràng, khoa học nên hai tỉnh thống nhất giữ nguyên đường địa giới hành chính như trước. Về dân cư, chuyển bản Pa Tết từ xã Tà Tổng về xã Huổi Lếch quản lý.

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Điện Biên, khóa XV diễn ra cuối tháng 12/2021 đã biểu quyết thông qua việc thành lập bản Pa Tết, xã Huổi Lếch (giữ nguyên tên cũ). Sau 19 năm, kể từ khi chia tách tỉnh Lai Châu cũ đến nay, người dân bản Pa Tết mới “danh chính ngôn thuận”. Đây cũng là mong mỏi của hàng trăm người dân Pa Tết từ trước đến nay. Nhiều người dân trong bản tin tưởng và kỳ vọng cuộc sống từ nay “sang trang mới”. Theo đó, sau khi thành lập mới bản Pa Tết có 75 hộ dân (100% dân tộc Mông) với 436 nhân khẩu; diện tích tự nhiên gần 218ha, trong đó có 2,4ha đất ở, còn lại đất canh tác.

Việc đồng ý chuyển về xã Huổi Lếch quản lý, người dân Pa Tết gửi niềm tin và kỳ vọng vào một sự đổi thay mọi mặt trong đời sống. Ông Mùa Chờ Sùng, Bí thư chi bộ bản Pa Tết cho biết: Trước đây, chính quyền xã Tà Tổng và các cấp tỉnh Lai Châu quan tâm đời sống người dân, tuy nhiên do bất cập trong việc phân định địa giới hành chính nên khó khăn trong việc quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Giờ Pa Tết đã khác, không còn tranh chấp đất đai, không còn phá rừng, yên tâm phát triển sản xuất. Tuy nhiên, bản Pa Tết nằm cách xa trung tâm xã Huổi Lếch, điều kiện kinh tế rất khó khăn, chưa có đường giao thông vào bản, chưa có điện lưới quốc gia và các điều kiện khác để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, mong các cấp, các ngành tỉnh quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội bản; đồng thời, giao khoán bảo vệ rừng để người dân hưởng lợi từ rừng.

Niềm tin và kỳ vọng của ông Mùa Chờ Sùng cũng như 74 hộ dân Pa Tết còn lại đã và đang được hiện thực hóa. Theo ông Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, thời gian tới các ngành chức năng, chính quyền địa phương sẽ tiến hành giao khoán bảo vệ rừng gần 956ha cho người dân bản Pa Tết, quản lý bảo vệ để hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, 90% số tiền hưởng dịch vụ môi trường rừng sẽ được khoán lại cho người dân. Với người dân Pa Tết sinh sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng, thì việc được giao khoán, bảo vệ rừng đáp ứng mong mỏi của người dân.

Một trong những khó khăn nhất của bản Pa Tết là chưa có đường giao thông kết nối ra trung tâm xã Huổi Lếch. Bởi lẽ người dân dù có chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi ra sản phẩm thì cũng không thể vận chuyển ra ngoài đem bán. Để khắc phục tình trạng này, ông Đặng Đức Thoại, Chủ tịch UBND xã Huổi Lếch thì: Thời gian tới, sau khi có vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…, xã xem xét, cân đối để bố trí nguồn lực giảm nghèo cho bản, như: Xây dựng các mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực lồng ghép thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo bản.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top