Hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường

10:16 - Chủ Nhật, 13/03/2022 Lượt xem: 4791 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng vứt rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Xây dựng bể chứa mô hình Xử lý nước thải, chất thải trong khu giết mổ gia súc gia cầm tại chợ thị trấn huyện Điện Biên Đông.

Phát huy vai trò nòng cốt của hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường như: Hưởng ứng Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; ngày môi trường thế giới; phòng chống rác thải nhựa; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; bảo vệ môi trường không khí. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên website Hội Nông dân tỉnh, trong các buổi sinh hoạt chi Hội… Ngoài ra, hàng năm các cấp Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức bảo vệ môi trường; kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón; tập huấn kiến thức về sản xuất rau hữu cơ…

Đối với cấp huyện đã huy động người dân thu gom được trên 1 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức xây dựng 323 bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tổ chức nhiều biện pháp bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn.

Hội Nông dân tỉnh còn xây dựng được nhiều mô hình bảo vệ môi trường gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình Xử lý nước thải, chất thải trong khu giết mổ gia súc gia cầm tại chợ thị trấn huyện Điện Biên Đông. Các cấp Hội phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị xây dựng 20 mô hình tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; duy trì các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Phát động phong trào Tết trồng cây hàng năm tới toàn thể cán bộ, hội viên trong tỉnh.

Thực hiện chương trình nông thôn mới, trong năm 2021, hội viên Hội Nông dân đã đóng góp được 706 triệu đồng; 4.400 ngày công lao động; hiến 4.800m2 đất, làm mới và sửa chữa 152km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và sửa chữa, dọn vệ sinh 210 km kênh mương nội đồng; sửa chữa làm mới, nạo vét 350 cầu, cống rãnh thoát nước, đóng góp 336 công sửa chữa

nâng cấp nhà văn hóa, lát hè phố. Phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể, vận động nông dân tham gia xóa 170 nhà tạm, trong đó Hội trực tiếp vận động hỗ trợ xóa nhà 10 nhà tạm cho hội viên, nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, neo đơn.

Có thể nói, phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tích cực phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường. Những nỗ lực đó đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ tài nguyên và môi trường, sống thân thiện với môi trường hơn, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của nông dân đối với công tác bảo vệ môi trường, các cấp Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các mô hình bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; vệ sinh và giữ gìn cảnh quan, Bảo vệ môi trường nông thôn và làng nghề; phát triển mô hình bảo vệ môi trường nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội trong tỉnh cần phát triển, nhân rộng các mô hình, hoạt động, cách làm hay về bảo vệ môi trường nông thôn, nông nghiệp. Đặc biệt là các hoạt động, mô hình về phân loại rác thải rắn sinh hoạt gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch thân thiện với môi trường... hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế hữu cơ trong nông nghiệp.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuyết (Hội Nông dân tỉnh)
Bình luận

Tin khác

Back To Top