Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

09:16 - Thứ Tư, 16/03/2022 Lượt xem: 4739 In bài viết

ĐBP - Khi đời sống xã hội càng phát triển, nhu cầu về dịch vụ ăn uống nhanh, tiện lợi càng cao. Qua các năm, nhiều nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống “mọc” lên, nhưng nhiều hơn cả vẫn là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đánh giá, phân tích của cơ quan chức năng, thức ăn đường phố thường tiện lợi đối với người tiêu dùng, nhất là những người công việc bận rộn. Dẫu vậy, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm với nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Người bán thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); môi trường bị ô nhiễm do các phương tiện thường xuyên lưu thông trên đường; cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết được những điều kiện của người bán thức ăn đường phố…

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh sữa, bánh kẹo, nước giải khát trên địa bàn xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé).

TP. Điện Biên Phủ là nơi tập trung đông dân cư; nhiều dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với 502 cơ sở. Với nhiệm vụ được giao, các xã, phường trên địa bàn đã làm tốt công tác quản lý đối với các cơ sở này. Bà Lò Thị Thương, Trưởng trạm Y tế phường Nam Thanh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát VSATTP phường cho biết: Phường hiện đang quản lý hơn 40 cơ sở dịch vụ ăn uống và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Để đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng, ban chỉ đạo phường thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát đối với những đơn vị này. Đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức về VSATTP cho các cơ sở kinh doanh; tổ chức cho các hộ kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố ký cam kết đảm bảo ATTP… Do vậy, ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực đều được nâng lên.

Anh Nguyễn Văn Hạnh, chủ quán ăn trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Nam Thanh) chia sẻ: Trước đây, do nhận thức còn hạn chế nên đôi khi mình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đảm bảo tuyệt đối (đồ chín sống đôi lúc để cạnh nhau, chậm cho tủ lạnh…). Được các cơ quan chức năng nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn… nên giờ gia đình chủ động làm đúng chuẩn hướng dẫn, đặt chất lượng lên hàng đầu. Chính vì thế, khách hàng đến với quan cũng rất đông.

Đánh giá của ngành Y tế tỉnh, mấy năm gần đây, việc tuân thủ các quy định về VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố… cơ bản được các chủ sở hữu thực hiện nghiêm. Có được kết quả đó, một trong những yếu tố quan trọng được cơ quan chức năng quan tâm, tổ chức thực hiện là công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực VSATTP. Thống kê của Chi cục VSATTP, từ năm 2021 đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức gần gần 400 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP với 4.631 lượt cơ sở/5.397 tổng cơ sở thực phẩm toàn tỉnh; trong đó, 99,89% cơ sở đảm bảo. Với cơ sở chưa đạt, cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử phạt hành chính, đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền nâng cao ý thức trong kinh doanh, sản xuất vì quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với ngành Y tế, theo phân cấp quản lý cũng như chức năng và nhiệm vụ được giao, lực lượng quản lý thị trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tổ chức thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực ATTP. Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Điện Biên cho biết: Năm 2021, lực lượng đã kiểm tra 815 vụ; trong đó 184 vụ vi phạm với các lỗi, như: Giá, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng, hàng hỏng mốc, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ôi thiu, biến đổi màu sắc… nộp ngân sách Nhà nước hơn 200 triệu đồng; buộc thiêu hủy giá trị hàng hóa gần 70 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng cũng phối hợp, tham gia các đoàn liên ngành theo từng thời điểm, mặt hàng, lĩnh vực  do các sở, UBND các cấp chủ trì với 772 cơ sở, trong đó phát hiện, xử lí vi phạm hành chính 1 vụ, thu nộp Ngân sách Nhà nước 6 triệu đồng.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song theo đánh giá của cơ cơ quan chức năng, vấn đề đảm bảo VSATTP là công việc hết sức khó khăn. Bởi để làm tốt được công tác này, không chỉ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành mà ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đảm bảo vệ sinh thực phẩm vẫn là chính. Chính vì thế, cùng với nỗ lực của ngành chức năng, mỗi người dân, người tiêu dùng hay mỗi tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo VSATTP.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top