Khai thác mật ong - Nghề nguy hiểm nơi núi rừng Điện Biên

16:54 - Thứ Sáu, 18/03/2022 Lượt xem: 5631 In bài viết

ĐBP - Mật ong rừng là loại mật mà ong tạo ra hoàn toàn một cách tự nhiên và không có tác động của con người. Cứ mỗi mùa ong mật làm tổ, tạo đàn sinh trưởng thì cũng là mùa khai thác mật bắt đầu. Mỗi năm, từ tháng 3 đến tháng 6 dương lịch, bà con đồng bào người Thái ở bản Tâu, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên lại lên rừng tìm tổ ong và khai thác mật ong.

Nghề khai thác mật ong là một trong những nghề nguy hiểm nơi núi rừng Tây Bắc. Một chuyến đi khai thác có thể kéo dài từ 1 - 2 ngày cho tới một tuần lễ, tuỳ vào địa điểm khai thác mật. Khai thác mật ong không hề đơn giản, cũng bởi công việc đòi hỏi người khai thác phải có sức khoẻ và kỹ năng tìm tổ ong cũng như leo trèo lên những thân cây cao hàng chục mét. Chỉ cần bất cẩn một chút, người khai thác có thể bị thương, thậm chí mất mạng trong rừng sâu.

Công việc khai thác mật ong rừng hàng năm đã và đang đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân trong bản. Chính vì lẽ đó, việc khai thác mật ong tuy vất vả và nguy hiểm nhưng hàng năm vẫn có khá nhiều người dân trong bản vào rừng sâu tìm kiếm mật ong về bán cho các thương lái. Đây cũng là một nghề đặc trưng của bà con nơi núi rừng Điện Biên.

Đoàn người khai thác mật leo lên vách đá để vào sâu trong rừng. Đây là con đường ngắn nhất để tới tổ ong, bởi nếu đi đường vòng sẽ mất rất nhiều thời gian.
Trưởng đoàn phát quang đường đi và quan sát hướng đi lên chỗ có tổ ong.
Việc luồn cúi dưới những bụi tre gai và dốc cao đòi hỏi những người trong đoàn khai thác phải có thể lực rất tốt.
Một thành viên trong đoàn trèo lên cây dây leo để phát quang khu vực xung quanh. Mục đích để khi đốt lửa khói có thể bay lên tới khu vực tổ ong.
Với những hành trình gần thì đoàn sẽ có phụ nữ đi cùng hỗ trợ thổi cơm, bắt cá, chế biến món ăn khi đoàn khai thác nghỉ ngơi.
Quá trình trèo cây rất nguy hiểm, đòi hỏi người trèo vừa phải có thể lực tốt, có kinh nghiệm. Bởi, không chỉ là trèo lên mà còn phải lựa được phần thân cây cứng để bám và tránh được đàn ong có thể tấn công bất cứ lúc nào.
Khi gần đến khu vực tổ, người dân sẽ đốt lửa và xua toàn bộ số ong còn trong tổ bay đi.
Sau khi đuổi được đàn ong, người dân dùng dao cắt lấy phần bọng mật. Họ sẽ không cắt toàn bộ tổ mà để lại một phần ít mật hơn để ong có thể tiếp tục tạo đàn cho năm sau.
Thành quả sau sự vất vả của chuyến đi là những hũ sáp mật thơm ngon. Sau khi chắt lọc toàn bộ tổ, mật và sáp ong sẽ được tách riêng và mang bán cho thương lái.

 

Lê Cảnh
Bình luận
Back To Top